Ô tô điện đang là xu hướng trong lĩnh vực ô tô, song vẫn có nhiều ý kiến trái chiều hoài nghi về việc liệu việc điện khí hóa ngành ô tô có thực sự giúp cải thiện chất lượng môi trường.
Phương tiện giao thông chiếm khoảng 20% tổng lượng khí thải ra môi trường trên toàn cầu. Vì vậy, xe điện được cho là "chiếc chìa khóa" giúp thế giới giải quyết vấn đề này.
Dù vậy, những tranh luận về việc liệu xe điện có thực sự "tốt" cho môi trường vẫn thường xuyên xuất hiện trên các trang mạng xã hội và các diễn đàn về xe.
Theo ABC News, vòng đời của một chiếc xe điện gồm 4 giai đoạn là sản xuất ô tô, sản xuất pin, vận hành ô tô và tái chế xe (bao gồm cả pin), và cả 4 giai đoạn này đều thải ra môi trường một lượng khí thải nhất định.
Giai đoạn sản xuất xe
Sản xuất xe điện bao gồm việc sản xuất nguyên liệu thô cho thân xe, nội thất, lốp xe, ghế ngồi và nhiều bộ phận khác. Ở giai đoạn đầu tiên, cả xe xăng và xe điện đều thải ra môi trường một lượng khí thải tương đương.
Giai đoạn sản xuất pin
Sản xuất pin là giai đoạn cho thấy sự khác biệt rõ về lượng khí thải ra môi trường giữa xe xăng và xe điện.
Pin là bộ phận đặc biệt quan trọng trên xe điện, cần nhiều chất liệu để tạo ra. Pin sản xuất tại Trung Quốc có lượng khí thải ra môi trường cao hơn pin sản xuất ở châu Âu.
Xe điện tại một số quốc gia, chẳng hạn như Australia, phần lớn được trang bị pin được sản xuất tại Trung Quốc. Vì vậy, lượng khí thải ra môi trường của những mẫu xe điện này sẽ cao hơn đáng kể.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về khí hậu ước tính lượng khí thải ra môi trường từ những mẫu pin này sẽ giảm xuống trong tương lai khi ngày càng có nhiều đơn vị sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất pin.
Dù vậy, đó là câu chuyện của tương lai. Ở thời điểm hiện tại, trước khi một chiếc ô tô bắt đầu lăn bánh trên đường, xe điện là phương tiện gây ra mức độ ô nhiễm môi trường nhiều hơn xe xăng.
Giai đoạn vận hành xe
Phần lớn lượng khí thải phát ra từ một chiếc xe đến từ quá trình bơm nhiên liệu để cung cấp năng lượng cho xe chạy. Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Australia, ước tính một chiếc xe tại quốc gia này chạy quãng đường khoảng 12.600 km/năm, tương đương 189.000 km trong suốt vòng đời.
Với quãng đường như vậy, lượng xăng/dầu được bơm để cung cấp năng lượng cho xe là rất lớn. Không thể phủ nhận rằng xe xăng gây ra nhiều tác động xấu tới môi trường. Cục Thống kê Australia ghi nhận rằng trung bình một chiếc SUV chạy xăng ở quốc gia này thải ra gần 46.000 tấn carbon ra môi trường trong suốt vòng đời.
Xe điện, trái lại, không thải ra lượng khí thải như vậy. Quá trình vận hành xe điện gây phát thải ra môi trường nhiều nhất có lẽ đến từ việc các quốc gia sử dụng năng lượng gì để cung cấp mạng lưới điện cho trạm sạc xe điện.
Một chiếc xe điện sạc tại một trạm sạc được cung cấp điện bằng nhiên liệu hóa thạch sẽ gây ra lượng khí thải lớn hơn việc sạc tại các trạm sạc sử dụng năng lượng tái tạo. Vì vậy, mạng lưới điện càng "sạch" thì xe điện càng "sạch".
Giai đoạn tái chế xe
Theo các chuyên gia trong ngành, lượng khí thải khi vận hành ô tô điện là rất nhỏ so với lượng khí thải ra môi trường trong quá trình sản xuất xe và pin. Hơn nữa, phần lớn vật liệu trong mỗi chiếc xe đều có thể được tái chế. Do đó, điều này bù đắp phần nào lượng khí thải trong suốt quá trình từ việc sản xuất tới khi đưa vào sử dụng.
Nhìn chung, ở cùng phân khúc, một chiếc xe điện sẽ thải ra lượng khí thải thấp hơn so với một chiếc xe xăng, ngay cả khi chúng được sạc tại những trạm sạc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.