Vào tháng 9, Bộ Thương mại Mỹ đề xuất quy định mới, cấm nhập khẩu và bán ô tô có công nghệ từ Trung Quốc hoặc Nga, nhắm đến việc ngăn chặn ô tô Trung Quốc xâm nhập thị trường Mỹ. Động thái này lập tức gặp phản ứng từ các hãng sản xuất lớn.
Hãng Polestar bày tỏ quan ngại rằng với quy định trên khác nào sẽ “cấm” xe của mình tại Mỹ, và kiến nghị Bộ Thương mại nên xác định rõ ràng các thành phần bị cấm. Ford cũng đồng tình, cho rằng một số thuật ngữ trong quy định được hiểu theo một nghĩa quá bao trùm, có nguy cơ ngăn chặn các mẫu xe sản xuất tại Trung Quốc trở lại Mỹ.
Các hãng khác, như Nissan, Hyundai, Volkswagen, Volvo và Tesla, đồng loạt yêu cầu Bộ Thương mại làm rõ các quy định và tránh dùng ngôn ngữ quá chung chung. Ngoài ra, các nhà sản xuất cũng bày tỏ lo ngại về thời gian áp dụng quy định quá gấp gáp. Theo quy định, phần mềm bị cấm sẽ áp dụng từ 2027, còn phần cứng từ 2030. Honda cho rằng thời gian này không đủ cho các hãng chuẩn bị kịp và đề xuất nên kéo dài hơn để hạn chế lỗi phát sinh, trong khi Volkswagen đề nghị dời lệnh cấm phần cứng sang năm 2031.
Mặc dù gần hết nhiệm kỳ, chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn kiên quyết ngăn chặn ảnh hưởng của ngành ô tô Trung Quốc tại Mỹ. Quy định mới này có thể tiếp tục được siết chặt nếu ứng cử viên Phó Tổng thống Kamala Harris, đại diện Đảng Dân chủ, thắng cử trong kỳ bầu cử tới.