Đẳng cấp Nhật Bản: Chế tạo ra công nghệ dùng trong xe điện mà không cần kim loại đất hiếm, vừa tiện vừa rẻ, đe dọa sức mạnh ‘con bài’ của Trung Quốc

Công nghệ mới này có thể giúp ổn định chuỗi cung ứng xe điện toàn cầu trước lệnh hạn chễ xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc.

Tập đoàn luyện kim Nhật Bản Proterial (tiền thân là Hitachi Metals) vừa phát triển thành công dòng nam châm sử dụng trong động cơ xe điện (EV) mà không cần tới các kim loại đất hiếm nặng. Đây được coi là một đột phá công nghệ có thể giúp ngành xe điện giảm rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng trong bối cảnh Trung Quốc siết chặt xuất khẩu đất hiếm.

Proterial đã ra mắt 2 loại nam châm neodymium mới. Đây là vật liệu được sử dụng phổ biến trong các thiết bị yêu cầu độ chính xác cao và động cơ EV nhờ hiệu suất từ trường vượt trội. Một trong 2 loại đã được công ty đưa vào sản xuất đại trà và bắt đầu gửi mẫu cho đối tác. Loại thứ hai, có khả năng chịu nhiệt cao hơn, dự kiến bắt đầu chuyển mẫu từ tháng 4/2026.

Từ tháng 4, Trung Quốc – nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới – áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu đất hiếm quan trọng, gây tác động tới chuỗi cung ứng ô tô trên toàn cầu. Tháng 5, Suzuki Motor đã buộc phải tạm ngừng sản xuất mẫu xe Swift do thiếu hụt nguyên liệu đất hiếm.

Nam châm neodymium là thành phần quan trọng trong việc thu nhỏ kích thước động cơ EV, nhưng thường cần bổ sung đất hiếm nặng như terbium và dysprosium để tăng khả năng chịu nhiệt. Với công nghệ mới của Proterial, hiệu suất từ trường vẫn được duy trì mà không cần dùng đến 2 nguyên tố đắt đỏ này.

Proterial cho biết loại nam châm mới có thể tích hợp trực tiếp vào các động cơ hiện có mà không cần thay đổi thiết kế. Ứng dụng quy trình sản xuất phổ biến hiện nay, loại nam châm này có thể được tạo hình linh hoạt để phù hợp với nhiều dòng động cơ khác nhau. Quan trọng hơn, vì có thể tận dụng dây chuyền hiện tại, chi phí sản xuất đại trà sẽ thấp hơn đáng kể.

Proterial không phải là công ty đầu tiên phát triển nam châm neodymium không sử dụng đất hiếm nặng. Trước đó, Daido Steel cũng đã giới thiệu dòng nam châm tương tự dùng cho động cơ EV. Tuy nhiên, sản phẩm của Daido đòi hỏi phải điều chỉnh cấu trúc động cơ và hệ thống làm mát để đạt được hiệu suất tương đương với nam châm sử dụng đất hiếm nặng.

Sự ra đời của công nghệ mới từ Proterial được kỳ vọng góp phần giảm đáng kể sự bất ổn về nguồn cung đất hiếm trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh ngành xe điện toàn cầu đang mở rộng sản xuất và phải đối mặt với các rủi ro địa chính trị.