Tuần trước, Volkswagen cho biết rằng tập đoàn này sẽ phát triển một nền tảng hoàn toàn mới, chuyên để sản xuất các mẫu xe điện giá rẻ cho thị trường Trung Quốc, sẽ sử dụng nhiều linh kiện từ các nhà cung cấp Trung Quốc để giảm chi phí.
Thông báo này xuất hiện trong bối cảnh Volkswagen đang có dấu hiệu tụt lại tại thị trường xe lớn nhất thế giới - Trung Quốc.
Theo chia sẻ của ông Ralf Brandstaetter - Giám đốc Volkswagen Trung Quốc, nền tảng mới sẽ có tên là A Main Platform, sẽ được phát triển sao cho tương thích với gu của khách hàng Trung Quốc, đó là nói về pin và hệ truyền động điện.
Ông cũng chia sẻ một số nhận định về tệp khách hàng của hãng tại Trung Quốc. Theo đó, ông cho rằng khách hàng của Volkswagen ở Trung Quốc có độ tuổi trẻ hơn, đam mê công nghệ và thích đắm mình trong các trải nghiệm kỹ thuật số trên xe.
Ông Ralf Brandstaetter cũng cho biết rằng nền tảng A Main Platform thực tế sẽ được phát triển từ khung gầm chuyên xe điện MEB mà tập đoàn đã sử dụng từ năm 2019. Tuy nhiên, A Main Platform sẽ sử dụng nhiều linh kiện từ các nhà cung cấp Trung Quốc; theo kế hoạch thì sẽ sẵn sàng để đưa ra thị trường vào năm 2026 - rút gọn 1/3 thời gian so với thông thường.
Volkswagen cho biết sẽ giới thiệu 10 mẫu xe điện mới cho các thị trường trên toàn thế giới từ năm 2026; Volkswagen cũng sẽ cố gắng để rút ngắn thời gian đưa xe ra thị trường từ 4 năm xuống tiệm cận 2,5 năm - mức trung bình của các đối thủ từ Trung Quốc.
Ông Ralf Brandstaetter nhận định rằng Trung Quốc là một thị trường rất "nhạy với giá", và Volkswagen cần phải tối ưu chi phí sản xuất. Ông cho biết: "Khi dung lượng thị trường tăng lên, để [tồn tại ở thị trường] thì có lợi nhuận là điều quan trọng. Vì thế, chúng tôi sẽ tập trung vào công nghệ, tốc độ phát triển và tối ưu chi phí".
Công ty Công nghệ Trung Quốc trực thuộc Tập đoàn Volkswagen (VCTC) sẽ là nơi thực hiện phát triển nền tảng giá rẻ mới cho xe điện. Trụ sở của VCTC đặt tại Hợp Phì, An Huy, Trung Quốc. Giám đốc Công nghệ Volkswagen Ludger Luehrmann nêu ví dụ rằng tập đoàn có thể giảm chi phí sản xuất của khu vực táp-lô tới 37% khi sử dụng màn hình từ các nhà cung cấp Trung Quốc.
MẤT THỊ PHẦN TẠI TRUNG QUỐC
Trên thực tế, Volkswagen đang chịu nhiều áp lực tại thị trường xe lớn nhất thế giới.
Trong Quý II/2023 tại Trung Quốc, Volkswagen đã bán ra 544.000 chiếc, trong đó có 23.433 chiếc là xe thuần điện; với BYD, tập đoàn xe lớn nhất Trung Quốc bán ra 595.300 mẫu xe lai điện sạc ngoài (Plug-in Hybrid - PHEV) và xe thuần điện.
Volkswagen từ vị thế nhà sản xuất xe lớn nhất tại quốc gia tỷ dân, giờ chỉ nắm giữ khoảng 10% thị phần. Con số này thực tế vẫn là niềm mơ ước của nhiều hãng xe, nhưng so với con số khoảng 15% từ năm 2008 đến năm 2020 thì đã suy giảm nhiều.
Ngược với chiều giảm của Volkswagen là đà tăng của các thương hiệu nội địa Trung Quốc, tiêu biểu như BYD hay Changan. Hai hãng xe này có nhiều mẫu xe điện có giá thành rẻ nhưng không kém phần hấp dẫn. BYD Seagull ra mắt năm ngoái là một ví dụ: Có thể đi được 306 km mỗi lần sạc, giá bán chỉ 73.800 NDT (hơn 250 triệu đồng).
Volkswagen cùng nhiều thương hiệu xe ngoài Trung Quốc khác đã phải rất chật vật để thu hút khách hàng khi không có những mẫu xe điện giá tốt như vậy. Ngay cả với Tesla (nhà sản xuất xe có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới), giới quan sát cũng nhìn nhận là thua kém BYD.
Nhìn vào doanh số tại Trung Quốc, xe thuần điện và xe PHEV đã tăng 25% trong tháng 6/2023, lên 736.000 chiếc. Con số này có thể quy đổi là cứ khoảng 5 xe được bán ra thì có 2 chiếc là xe điện.
XE ĐIỆN GIÁ RẺ - ÁT CHỦ BÀI CỦA VOLKSWAGEN?
Tại Trung Quốc, Volkswagen đang nỗ lực để mở rộng dải sản phẩm của mình, cốt để thu hút tệp khách hàng tại phân khúc xe điện giá rẻ và giá vừa. Một điều cần nhắc là các mẫu xe điện của Volkswagen hiện tại có giá cao hơn các đối thủ Trung Quốc.
Theo Giám đốc Volkswagen Trung Quốc, tập đoàn dự định phát triển 4 mẫu xe có giá từ 140.000 NDT (khoảng 480 triệu đồng) đến 170.000 NDT (580 triệu đồng) trên nền tảng mới để cạnh tranh với với các đối thủ tại phân khúc mà mới chỉ có xe thuần xăng.
Đại diện của Volkswagen cũng cho biết rằng nền tảng mới sẽ do liên doanh Volkswagen-SAIC-FAW sản xuất.
Công ty công nghệ VCTC của Volkswagen dự kiến sẽ ngốn của tập đoàn xe lớn nhất châu Âu khoảng 1 tỷ euro (26,5 nghìn tỷ đồng). Đơn vị này sẽ đóng vai trò rất quan trọng với chiến lược đánh phá thị trường Trung Quốc. Để làm điều đó, đơn vị sẽ tuyển dụng khoảng 2.000 nhân sự.
VCTC sẽ thành lập chuỗi cung ứng để phát triển các dự án của liên doanh Volkswagen-SAIC-FAW-JAC tại Trung Quốc. Theo đại diện của Volkswagen tại Trung Quốc, liên doanh này sẽ giúp loại bỏ các tồn tại do chênh lệch múi giờ giữa Đức và Trung Quốc.
Ông cho biết: "Chúng tôi sẽ gia tăng hiệu quả trong các giai đoạn phát triển và sẽ có thể rút ngắn khoảng 30% thời gian đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng Trung Quốc, đồng thời đảm bảo có được sản phẩm đúng với mong muốn của người tiêu dùng".
Vừa mới đây, Volkswagen đã ra mắt mẫu xe điện ID.7 Vizzion tại Trung Quốc do liên doanh FAW-Volkswagen sản xuất. Điều gây bất ngờ là mẫu xe dù có một số ít thay đổi, giá của phiên bản Trung Quốc chỉ bằng một nửa so với con số khách hàng tại Đức phải bỏ ra.