Nhen nhóm ý định đổi sang xe điện, chủ xe Hyundai Santa Fe trải nghiệm VinFast VF 8 và nhận về cái kết bất ngờ

So với chiếc Hyundai Santa Fe đang sử dụng, anh Lưu cho rằng chiếc VinFast VF 8 của anh Hảo hấp dẫn hơn về mặt trải nghiệm vận hành, giải trí đa thông tin, nhưng nhiều công nghệ hiện đại cần người dùng phải làm quen.

Khi xe điện là xu thế và dần trở thành phương tiện chủ đạo tại các quốc gia phát triển trên thế giới, không ít người Việt đang sử dụng xe động cơ đốt trong bắt đầu tìm hiểu về loại xe xanh này. Anh Trần Quỳnh Lưu là một trong số đó. Anh Lưu sử dụng chiếc Hyundai Santa Fe được 3 năm, gần 60.000 km và hiện tại nhen nhóm ý định đổi sang xe điện nếu dòng xe này mang đến trải nghiệm tốt về lâu dài.

Nhằm giúp anh Lưu giải đáp nhiều thắc mắc về xe điện, chúng tôi đã sắp xếp một buổi gặp gỡ với anh Trần Công Hảo, một chủ xe VinFast VF 8 đã sử dụng xe được gần nửa năm. Trước khi đổi qua chiếc xe điện này, anh Hảo từng sở hữu qua rất nhiều dòng xe xăng và dầu, như Mercedes-Benz E 250, Ford Ranger Raptor và Toyota Land Cruiser Prado.

Nhen nhóm ý định đổi sang xe điện, chủ xe Hyundai Santa Fe trải nghiệm VinFast VF 8 và nhận về cái kết bất ngờ - Ảnh 1.

Trong buổi gặp gỡ, anh Lưu đã được trải nghiệm chiếc VF 8 của anh Hảo trên nhiều cung đường. Đồng thời, 2 chủ xe Santa Fe và VF 8 cũng chia sẻ với nhau về cảm nhận thiết kế, vận hành, tiện nghi, chi phí sử dụng, độ tiện dụng cùng nhiều ưu, nhược điểm khác của xe dầu khi so sánh với xe điện.

Chào anh Lưu. Sau khi đã có những trải nghiệm nhất định trên nhiều cung đường với chiếc VF 8 của anh Hảo, anh đánh giá thế nào về vận hành của chiếc xe điện so với xe động cơ đốt trong mình đang sử dụng?

Ấn tượng đầu tiên của mình với xe điện là khả năng tăng tốc. Trong dải vận tốc 0 - 40 km/h, chiếc VF 8 tăng tốc rất nhanh, gần như không có độ trễ. Trong khi đó, chiếc xe dầu của mình bị ì, đạp ga mạnh nghe tiếng máy gào lên khá lớn, vọng rõ vào trong khoang cabin. Ở dải tốc độ này, khả năng sang số của Santa Fe hơi chậm chạp, vòng tua bị đẩy lên cao nên tạo độ rung và gây tiếng ồn lớn. Tiếng ồn của máy dầu càng sử dụng nhiều càng cảm nhận thấy rõ.

Các chế độ lái của VF 8 mang đến khả năng tăng tốc khác biệt hoàn toàn. Chuyển sang Sport là dính lưng. Còn với Santa Fe tuy có tới 4 chế độ Comfort, Eco, Smart và Sport nhưng sự khác biệt là rất ít, khó có thể cảm nhận được.

Mới chuyển qua từ xe dầu sang xe điện còn chưa quen, nhưng sau khoảng 2 tiếng cầm lái qua nhiều cung đường thì mình cảm thấy sự khác biệt rõ giữa chiếc VF 8 với chiếc Santa Fe ở độ đầm chắc. Nếu đi ở cung đường đẹp, gần như chiếc xe của mình với chiếc VinFast tương đương nhau. Còn khi vào cung đường gồ ghề, chiếc VF 8 chạy đầm và chắc hơn, giảm xóc xử lý mượt mà hơn. Nếu cùng điều kiện vận hành đó, chiếc Santa Fe cho cảm giác nảy xe, bị tưng tưng khi qua đoạn mố cầu.

Vô-lăng của chiếc VF 8 có độ biến thiên tốt, càng đi vận tốc cao càng siết lại, khi đánh lái chuyển làn tự tin, không có cảm giác lạc lõng như chiếc Santa Fe. Vô-lăng Santa Fe hơi nhẹ ở các dải tốc độ nên đánh lái chưa đủ yên tâm.

Trên VF 8 còn có tính năng mà Santa Fe không có là phanh tái sinh. Ban đầu lái xe mình chưa quen, cảm thấy hơi hụt hẫng mỗi lần nhả chân ga. Đang đi với vận tốc 60 km/h mà nhả chân ga thôi là xe ghìm ngay tốc độ, chiếc xe giảm tốc khá nhanh. Chiếc Santa Fe của mình nhả chân ga thì xe vẫn gần như rất ít giảm tốc, xe chạy theo quán tính. Mặc dù chưa quen với kiểu chân ga như vậy nhưng mình cho rằng tính năng này giúp lái xe an toàn và tiết kiệm năng lượng hơn, nhất là khi vận hành trên những cung đường đèo dốc.

Nhen nhóm ý định đổi sang xe điện, chủ xe Hyundai Santa Fe trải nghiệm VinFast VF 8 và nhận về cái kết bất ngờ - Ảnh 4.

Chào anh Hảo. Được biết anh từng sử dụng nhiều dòng xe với các loại động cơ khác nhau, ví dụ như Ranger Raptor máy dầu, hay Prado máy xăng. Khi chuyển sang VF 8, anh thấy những nhận định so sánh của anh Lưu có giống anh không?

Nói chung là những nhận định đấy tương đối chính xác. Mình trải nghiệm xe ngần ấy thời gian cũng cảm nhận rõ sự khác biệt giữa xe xăng, dầu và xe điện.

Cái đặc trưng nhất của xe điện là khả năng tăng tốc. Xe điện tăng tốc rất nhanh, không bị hụt hơi. Với xe xăng hay dầu muốn tăng tốc là ga phải oà lên, phải mất một nhịp với bắt đầu tăng tốc lên được. Đi xe điện muốn vượt xe khác là vượt được ngay, rất dứt khoát và an toàn.

Nói về an toàn thì không thể bỏ qua công nghệ, nhất là các tính năng an toàn thông minh ADAS trên VF 8. Anh Lưu đánh giá sao về điểm này trên chiếc VF 8 anh vừa trải nghiệm?

Mình thấy ấn tượng nhất là khả năng giữ làn đường và giữ khoảng cách với xe phía trước. Nhiều lúc đi cao tốc, mình chỉ cần xao nhãng một chút mà gặp trường hợp xe trước gặp sự cố chẳng hạn là đạp phanh dúi dụi. Còn với chiếc VF 8 này thì không. Xe sẽ liên tục điều chỉnh tốc độ phù hợp với xe phía trước.

Ngày xưa khi mua Santa Fe, mình rất tiếc vì bản nâng cấp sau này của xe mới có thêm nhiều tính năng an toàn gần giống trên chiếc VF 8. Sau lần trải nghiệm chiếc VF 8 này, mình thấy hơi ân hận vì mua chiếc Santa Fe ở thời điểm đó.

Anh Hảo trước đây cũng dùng một số dòng xe có ADAS, ví dụ như Ranger Raptor và Land Cruiser Prado. Anh thấy sao về gói ADAS này trên VF 8?

Mình thấy ADAS trên VF 8 hoạt động chính xác hơn Land Cruiser Prado với gói Safety Sense. Nhất là tính năng giữ làn. Chiếc VF 8 có thể định tâm làn đường và ôm được theo độ cong của đường, còn chiếc xe Toyota chỉ kéo lại khi bánh xe chạm vào vạch kẻ đường. Cách giữ khoảng cách của VF 8 cũng rất từ tốn, vừa khiến mình thoải mái mà vẫn yên tâm khi bám theo xe phía trước.

Nhen nhóm ý định đổi sang xe điện, chủ xe Hyundai Santa Fe trải nghiệm VinFast VF 8 và nhận về cái kết bất ngờ - Ảnh 5.

Có một trải nghiệm khiến mình đánh giá rất cao ADAS của VF 8. Đó là khi mình đang đi ngoài trời nắng vào trong hầm tối. Ánh sáng thay đổi đột ngột khiến mình khi đó còn chưa định hình được bất cứ thứ gì bên trong hầm. Vậy mà chiếc VF 8 vẫn đọc được làn đường và phương tiện phía trước để điều chỉnh vô-lăng và ga, phanh để đảm bảo khoảng cách an toàn của xe mình trong làn và với xe phía trước.

Công nghệ của xe ngoài đảm bảo an toàn khi lái thì còn được đưa vào trong tiện ích nội thất. Anh Lưu thấy sao về trải nghiệm bên trong khi lần đầu bước lên một chiếc xe điện như VF 8?

Lúc mới lên, mình phải nhờ anh Hảo hướng dẫn vì trải nghiệm bên trong VF 8 không giống trên Santa Fe chút nào. Trên VF 8, tất cả tính năng được tích hợp lên màn hình, còn với Santa Fe thì đó là các nút bấm cơ học. Đang dùng nút quen rồi chuyển qua cảm ứng thấy chưa thuận, nhất là khi đang lái xe muốn chỉnh điều hoà hay quạt gió. Cũng may là có trợ lý ảo tiếng Việt để ra lệnh điều khiển các cài đặt xe nên việc làm quen cũng dễ dàng hơn.

Thêm nữa, VF 8 không có đồng hồ sau vô-lăng mà chỉ có HUD. Cá nhân mình quen với đồng hồ truyền thống, cho dù HUD vẫn tiện dụng và an toàn hơn. Mình đi cao tốc nhiều lần, chỉ cần một thoáng nhìn vào đồng hồ thôi là cũng lơ là, giật mình khi xử lý các tình huống rồi. Nhìn vào HUD khiến mình tập trung cầm lái hơn.

Anh Lưu có vẻ thấy hơi bất tiện khi mới dùng xe VF 8. Còn anh Hảo, anh thấy có bất tiện không khi đổi từ các xe cũ sang chiếc xe điện mới này?

Thực ra nói bất tiện thì không hẳn, bởi vì đấy là chưa quen xe. Khi đã quen rồi, mình có thể sử dụng các tính năng trên màn hình bất cứ lúc nào. Ngay cả khi đang lái xe, mình cũng có thể điều chỉnh được điều hoà bằng cách ra lệnh cho trợ lý ảo của VinFast mà không cần tìm bấm trên màn hình.

Trợ lý ảo là một trang bị khá hay trên xe VF 8. Trợ lý ảo có thể giúp mình thao tác một số chức năng như lên, xuống, đóng rèm cửa, điều chỉnh điều hoà, mở cốp xe… Nhiều khi lái xe đường dài buồn, mình có thể yêu cầu trợ lý ảo kể chuyện cười hay trêu đùa để tỉnh táo hơn.

Để sử dụng thuần thục các chức năng cơ bản của VF 8, mình mất khoảng một buổi sáng để làm quen. Còn để nắm rõ sâu hơn các tính năng cài đặt thì cũng phải mất 1 - 2 ngày tìm hiểu. Nhìn chung, một khi đã quen xe rồi thì mình thấy sử dụng xe VF 8 thấy tiện hơn các xe cũ.

Rồi xe của mình có kết nối Apple CarPlay không dây. Mình chỉ cần cài đặt xong một lần là gần như lần nào mở cửa xe ra xong thì màn hình đã hiển thị như chiếc điện thoại của mình phóng to lên rồi, rất tiện.

Mình đã đi hết từ vận hành tới tiện nghi bên trong của xe rồi. Có lẽ một thứ cũng rất quan trọng khi mua xe là thiết kế. Xe điện sẽ có những điểm khác biệt nhất định so với xe xăng. Anh Lưu cảm nhận sao về thiết kế của chiếc VF 8?

Mới nhìn lần đầu, mình cảm giác chiếc xe này phù hợp với nhiều lứa tuổi, cả đàn ông và phụ nữ đều sử dụng được. Thiết kế tổng thể rất đẹp, nhất là khi nhìn vào ngang thân và đuôi xe. Chỉ có điều phần đầu xe theo thẩm mỹ cá nhân của mình thì thấy hơi rối, đặc biệt là cụm đèn phía trước.

Santa Fe của mình của đèn chiếu sáng đặt thấp hẳn xuống so với đèn ban ngày, cho cảm giác đỡ rối hơn. Nhiều anh em bảo bất tiện vì đèn đặt thấp dễ dính bùn, mà lại không có rửa đèn. Tuy nhiên, với mình thì thường đi đường đẹp, chưa đi đường lầy lội bùn đất bao giờ nên chưa thấy sự bất tiện đó.

Với người vợ thì có lẽ bao giờ ngoại hình cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định mua xe. Với anh Hảo, anh đã thuyết phục "nóc nhà" của mình thế nào về thiết kế xe để chốt mua VF 8?

Trước khi VinFast VF 8 ra mắt ở Việt Nam thì đã ra mắt thế giới rồi. Khi đó có rất nhiều bài viết và video đánh giá chiếc xe này. Mình bắt đầu cho vợ xem để cảm nhận.

Đến khi có chiếc VF 8 demo đầu tiên về đại lý ở Phạm Hùng (Hà Nội) thì hai vợ chồng cùng nhau đi xem. Vợ mình ngay từ lần đầu nhìn xe đã gật gù rồi. Về hình thức là OK trong mắt vợ. Mình nghĩ phong cách của VF 8 hợp với phụ nữ hơn.

Đi vào bên trong thì vợ chồng mình thấy nội thất xe được làm rất chỉn chu. Vật liệu da mềm và không mùi. Các chi tiết có độ hoàn thiện tốt.

Nói về thiết kế thì không thể bỏ qua yếu tố thực dụng rồi. Anh Lưu thấy sao khi chuyển từ ngồi Santa Fe sang VF 8?

Mới đầu bước vào trong xe, mình thấy không gian rất tối giản, gần như không có nút bấm. Thiết kế như vậy khiến mình chưa quen ngay được nhưng mang đến cảm giác thoáng đãng và ngồi rộng rãi.

Sau khi đã nói về những trải nghiệm từ trong ra ngoài của VF 8, chúng ta sẽ đến với chi phí và sự tiện lợi khi sử dụng xe. Anh Hảo là chủ xe VF 8. Xin anh chia sẻ trước về quá trình "nuôi" chiếc xe điện này.

Đầu tiên mình sẽ nói về thói quen sử dụng. Khi đổi từ xe xăng, dầu sang thì mình phải thay đổi thói quen một tí. Trước đây khi hệ thống sạc còn chưa nhiều như bây giờ thì đi lại phải tính toán quãng đường trước. Còn giờ ở đâu cũng có trạm sạc, sạc rất tiện. Mình ở nhà mặt đất nên chủ yếu cắm sạc tại nhà. Nói chung, vấn đề sạc xe không có gì bất tiện cả.

Với việc sạc xe chủ yếu tại nhà, sau 5 tháng với quãng đường khoảng 12.000 km, mình tính trung bình mỗi tháng đi hơn 2.000 km, hết khoảng 1 triệu đồng tiền điện. Cộng với chi phí thuê pin khoảng 2,1 triệu đồng thì mỗi tháng khoảng hơn 3,1 triệu đồng chi phí cho năng lượng của xe. So với chiếc xe xăng là Land Cruiser Prado mình từng đi thì rất tiết kiệm. Cũng quãng đường di chuyển thì chiếc xe đó tiêu tốn hết khoảng 5-6 triệu đồng tiền xăng mỗi tháng.

Về bảo dưỡng thì xe mình vẫn chưa cần làm gì cả. Theo mình tìm hiểu thì xe điện không phải bảo dưỡng nhiều thứ như xe xăng, dầu vì kết cấu động cơ không phức tạp, không phải đốt nhiên liệu. Còn về pin thì trước mắt VinFast đang đảm bảo chế độ bảo hành lâu dài cho pin thuê trên xe của mình nên vẫn yên tâm là chưa phát sinh chi phí gì trong tương lai.

Thực ra mình ít quan tâm tới chi phí sử dụng. Mình thích xe điện hơn là ít khí thải ra môi trường, không làm hại sức khoẻ con người.

Nhen nhóm ý định đổi sang xe điện, chủ xe Hyundai Santa Fe trải nghiệm VinFast VF 8 và nhận về cái kết bất ngờ - Ảnh 12.

Nhân nói về pin thì VinFast mới bổ sung thêm pin CATL cho quãng đường di chuyển lên tới 471 km. Thời gian tăng tốc 0-100 km/h của xe được cải thiện dưới 5,5 giây với bản Plus, trong khi giá chỉ chênh khoảng 50-60 triệu đồng. Có lẽ đây là tín hiệu mừng cho những ai cân nhắc đổi sang xe điện như anh Lưu. Còn về anh Lưu, chi phí sử dụng chiếc Santa Fe trong 3 năm qua của anh ra sao?

Mình không thống kê được chính xác hoàn toàn nhưng tính trung bình mỗi tháng cũng đi hơn 2.000 km như anh Hảo, tốn khoảng 3-4 triệu đồng tiền dầu. Tính ra chi phí cũng không chênh nhiều so với việc sạc điện của chiếc VF 8 của anh Hảo.

Tuy nhiên, bảo dưỡng chiếc xe dầu lại rất tốn kém. Đại lý khuyến cáo cứ 5.000 km là bảo dưỡng một lần. Mỗi lần cho các mức phí khác nhau, nhưng tính trung bình thì rơi vào khoảng 4,5 triệu đồng mỗi lần bảo dưỡng. Làm bảo dưỡng đến nay hơn chục lần thì hết khoảng 50 triệu đồng.

Nhen nhóm ý định đổi sang xe điện, chủ xe Hyundai Santa Fe trải nghiệm VinFast VF 8 và nhận về cái kết bất ngờ - Ảnh 13.

Như vậy có thể thấy dường như chiếc VF 8 đang tiết kiệm hơn chiếc Santa Fe khi sử dụng lâu dài. Vậy chi phí lăn bánh ban đầu của chiếc VF 8 thế nào thưa anh Hảo?

Đợt mình lấy xe sau khi trừ hết các ưu đãi thì chi phí lăn bánh chiếc VF 8 Plus này là 1,05 tỷ đồng. Mình là khách hàng tiên phong nên có nhiều ưu đãi cả về giá mua xe và giá thuê pin.

Còn chiếc Santa Fe của anh Lưu mua hồi năm 2020 thì sao?

Chiếc Santa Fe của mình là bản máy dầu cao cấp nhất, khi đó mua xe được hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ nên giá lăn bánh là khoảng 1,29 tỷ đồng.

Vây là chiếc VF 8 còn có giá lăn bánh thấp hơn tới khoảng 250 triệu đồng so với Santa Fe. Tất nhiên so về bản chất xe thì khó có cơ sở để đặt VF 8 và Santa Fe ở chung "mâm" vì một là điện, một là động cơ đốt trong. Thế nhưng đây là 2 lựa chọn SUV được quan tâm nhất trên thị trường hiện nay trong tầm giá khoảng 1 tỷ đồng. Anh Lưu sau buổi trò chuyện này có ý định đổi sang xe điện hay chưa?

Xe điện rõ ràng có nhiều ưu điểm hơn chiếc xe máy dầu mà mình sử dụng, nhưng mình nghĩ mình cần thêm thời gian để kiếm chứng mọi người sử dụng rồi mới đưa ra quyết định liệu có đổi sang xe điện hay không. Với mình, xe điện vẫn là loại phương tiện mới. Mình lại là người quan tâm hơn tới quá trình sử dụng lâu dài.

Nhen nhóm ý định đổi sang xe điện, chủ xe Hyundai Santa Fe trải nghiệm VinFast VF 8 và nhận về cái kết bất ngờ - Ảnh 14.

Cảm ơn 2 anh đã dành thời gian cho buổi trò chuyện ngày hôm nay.