XL7 và Hybrid Ertiga sử dụng chung một nền tảng khung gầm. Song, thiết kế 2 mẫu xe này khác biệt hoàn toàn, hướng tới những nhóm khách hàng có nhu cầu sử dụng khác nhau. XL7 có ngoại hình thể thao hơn với nhiều chi tiết nhựa nhám bo bên dưới, còn Hybrid Ertiga có thiết kế ngoại thất chuẩn MPV, mang nét lịch lãm hơn.
Trang bị ngoại thất XL7 hiện đại hơn với hệ thống chiếu sáng chính công nghệ LED. Hybrid Ertiga chỉ có đèn chiếu sáng halogen nhưng được đặt trong projector để tối ưu ánh sáng hơn. Cả 2 đều có đèn hậu LED với thiết kế gần như giống hệt nhau. XL7 cao hơn với khoảng sáng gầm 200 mm, còn trên Hybrid Ertiga chỉ 180 mm. Bộ mâm 16 inch dạng phay trên XL7 cùng bộ lốp 195/60R16 và mâm 15 inch kèm lốp 185/65R15 trên Hybrid Ertiga bị chê nhỏ làm xe không đầm. Trên thực tế, lốp nhỏ giúp hạ trọng tâm xe, tăng hệ số bám đường và vào cua gấp cũng an toàn hơn.
Khi mới bước vào nội thất xe lần đầu, khó có thể phân biệt được đâu là XL7, đâu là Hybrid Ertiga bởi các chi tiết gần như giống hệt. Điểm khác biệt rõ nhất của Hybrid Ertiga là ốp vân gỗ màu ghi xám cùng gương chiếu hậu chống chói tự động có tích hợp màn hình. Ngoài ra, xe vẫn có vô-lăng 3 chấu quen thuộc tích hợp nút bấm, có Cruise Control, màn hình đều là loại 10 inch cảm ứng, hỗ trợ Apple CarPlay/Android Auto, hệ thống điều hòa tự động, khởi động bằng nút bấm…
Không gian cả 2 xe đều rộng rãi với 3 hàng ghế và 7 chỗ ngồi. Hàng 2 và hàng 3 đều có thể gập xuống hết để mở rộng khoang hành lý. Hàng 2 có thể thay đổi độ ngả của tựa lưng với góc ngả lớn và có thể trượt lên được với tỷ lệ 60:40 để tạo khu vực để chân rộng hơn cho người ngồi cuối. Trong chuyến đi Cát Bà vừa rồi, chúng tôi chỉ hạ mỗi hàng ghế cuối mà vẫn dư không gian chứa hành lý cùng nhiều đồ cắm trại cho 5 người.
Để đến được khu vực dừng chân, chúng tôi phải di chuyển qua cao tốc, đi phà, đi đường đèo rồi mới tới thị trấn. Có bình luận cho rằng XL7 yếu khi leo dốc, động cơ chỉ đủ cho đi phố, nhưng chuyến đi vừa rồi đã chứng minh cả 2 xe đều leo dốc tốt dù chở tới 3 người cùng nhiều hành lý nặng phía sau. Dù công suất trên giấy tờ chưa cao nhưng với khối lượng chỉ 1,175 tấn, chiếc xe có hệ số tỷ lệ công suất trên khối lượng được tối ưu hơn.
Cả 2 xe đều có giảm xóc MacPherson phía trước, thanh xoắn phía sau. Có người cho rằng hệ thống treo của XL7 hơi cứng. Điều này chỉ đúng khi đi trong phố, còn ra đường trường thì hệ thống treo này đúng hơn phải gọi là “chắc”. Quan trọng hơn hết là giảm chấn phải tốt để dập tắt dao động nhanh và mượt.