Từng nung nấu ý định phượt Tây Bắc bằng xe máy, anh Thu (hiện là bác sĩ ở Bình Phước) đã thay đổi quyết định và chọn đi bằng ô tô do muốn có một hành trình ý nghĩa cùng gia đình của mình. Chuyến đi kéo dài 13 ngày với chặng đường khoảng 5.000 km cùng một chiếc Mitsubishi Outlander 2020.
Anh Thu quê gốc ở Ninh Bình. Cách đây 26 năm, anh lên đường nhập ngũ và đóng quân ở phía Nam. Đó là một phần lý do khiến anh Thu luôn ấp ủ những dự định đi du lịch phía Bắc và trở về thăm quê hương. Chuyến đi lần này đặc biệt hơn cả khi là lần đầu tiên anh tự cầm lái tới tận vùng núi Tây Bắc.
“Chuyến đi vừa rồi, mình đã tới các tỉnh Tây Bắc như Lào Cai, Sơn La hay Lai Châu, qua cả Hòa Bình. Đây là cung đường khá đẹp và hấp dẫn giới phượt thủ”, anh Thu chia sẻ.
Anh cho biết chuyến đi Tây Bắc diễn ra suôn sẻ, không gặp chút khó khăn nào, vì trước đó anh đã tham khảo thông tin đường sá trước và cũng đã chinh phục một số con đèo ở phía Nam như đèo Lò Xo, đèo Khánh Lê hay đèo Vi Ô Lắc. Đó đều là những con đèo có tên tuổi không kém gì đèo ở Tây Bắc.
“Outlander xuyên Việt sướng hơn Innova”
Đây không phải lần đầu anh Thu lái xe xuyên Việt. Anh chia sẻ: “Trước đây mình đã từng chạy Bắc - Nam bằng một chiếc Toyota Innova số sàn”.
“So với chiếc Outlander này thì Innova đi không mượt bằng, được cái ngồi rộng rãi và thoải mái hơn do là xe 7 chỗ chứ không phải 5+2 chỗ”, anh so sánh 2 chiếc xe với nhau.
Tuy nhiên, anh đánh giá thiết kế 5+2 của Outlander sử dụng tiện hơn 7 chỗ của Innova trong nhiều tình huống. Khi không cần sử dụng 2 ghế cuối, chỉ cần gập xuống là thành sàn phẳng, tạo không gian rộng rãi phía sau, trẻ con có thể nằm khi muốn nghỉ ngơi. Đó là điều mà Innova không làm được, dù 2 ghế cuối có gập lại được.
Chiếc Outlander của anh Thu sử dụng động cơ 2.0L, công suất khoảng 145 mã lực, mô-men xoắn 196 Nm, kết hợp hệ dẫn động cầu trước. Khi được hỏi động cơ này có “đuối” không khi chở cả gia đình cũng nhiều hành lý đi đường đèo núi với dốc cao như vậy, chủ xe trả lời rằng vẫn đáp ứng được nhu cầu di chuyển bình thường. Chiếc xe với lẫy số có thể điều chỉnh về các cấp số (giả) linh hoạt để điều chỉnh vòng tua máy phù hợp với các tình huống lái xe khác nhau, đặc biệt hữu ích khi lên dốc và đổ đèo.
Anh Thu đánh giá: “Đi Outlander đường trường thích hơn Innova do là xe số tự động, để số D chạy nhàn và mượt. Dù là hộp số vô cấp nhưng xe lại có lẫy chuyển giả lập cấp số, khiến người lái đi đường đèo dốc cảm thấy thoải mái hơn”.
Có lẽ cũng chính vì sự thoải mái khi cầm lái Outlander nên có ngày anh Thu cầm lái liên tục suốt khoảng 900 km từ Kon Tum tới Thanh Hóa. Khởi hành từ 5 giờ sáng, đến hơn 23 giờ đêm, anh mới có mặt tại thành phố Thanh Hóa. Đây là chặng mà anh cầm lái liên tục lâu nhất, lên tới khoảng 18 tiếng đồng hồ.
“Ăn xăng như ngửi”
Tổng kết cả hành trình, anh Thu nhẩm tính hết khoảng 7,5 đến 7,7 triệu tiền xăng cho quãng đường khoảng 5.000 km. Với giá xăng khoảng 22.000 đồng/lít, tính trung bình, chiếc Outlander chỉ tiêu thụ khoảng gần 7 lít/100 km.
Con số trên khá sát với số liệu mà Mitsubishi Việt Nam công bố. Theo thông số kỹ thuật, chiếc Outlander 2.0 CVT tiêu thụ 6,89 lít/100 km đường trường và khi đi hỗn hợp tiêu tốn tới 8,48 lít/100 km. Điều đáng nói là chiếc Outlander trong chuyến xuyên Việt vừa rồi còn đi qua rất nhiều cung đường đèo núi.
“Trong chuyến đi xuyên Việt vừa rồi, mình toàn chọn những cung đường đèo để đi, nhất là đoạn qua miền Trung, chứ không đi qua hầm. Mức tiêu thụ nhiên liệu tiết kiệm thế này cũng khiến mình bất ngờ”, anh Thu cho biết.
Còn hạn chế nhưng về tổng thể là hài lòng
Mua xe được 3 năm nhưng anh Thu rất ít khi sử dụng vì quãng đường đi làm hàng ngày chỉ khoảng 2 km. Đến nay, chiếc xe mới lăn bánh được khoảng 30.000 km cho dù đã trải qua một vài chuyến đi xa.
Do đó, phải có những chuyến đi xa, qua nhiều cung đường thế này, anh Thu mới nhận ra được điểm yếu của chiếc Outlander nằm ở hệ thống chiếu sáng. Anh cho biết rằng khi đi qua đoạn đèo Khánh Lê - con đèo dài nhất Việt Nam từ Đà Lạt tới Nha Trang - khi sương mù thì không nhìn thấy đường. Anh có bật cả đèn gầm nhưng cũng không ăn thua. Lái xe mà không nhìn rõ đường rất căng thẳng. Anh cho rằng một chiếc SUV như Outlander cần có thêm đèn phá sương mù nữa mới có thể yên tâm đi xa được.
Mặc dù xe vẫn còn nhược điểm, với anh Thu, hiện tại Outlander vẫn là chiếc xe phù hợp nhất với nhu cầu đi lại gia đình 4 người cũng như cách lái xe của anh.
Anh Thu chia sẻ: “Trước đây, mình chọn mua Mitsubishi Outlander vì vừa tầm tiền, nội thất bố trí 5+2 chỗ khá linh hoạt khi sử dụng cho gia đình 4 người, khi cần vẫn có thể chở thêm người được. Nhiều người nói nội thất Outlander đơn điệu nhưng với mình, quan điểm là khi lên xe phải tập trung cầm lái, mình không quan trọng mấy thứ trang bị thêm trên xe vì có thể khiến mình xao nhãng. Mình thấy trang bị của Outlander như vậy là đủ. Có lẽ chiếc xe này hợp với những người độ tuổi trung niên như mình trở lên”.