Mô hình hỗ trợ cộng đồng dân tộc Thái tại xã Bản Lang trồng và phát triển sản phẩm nếp tan nằm trong Dự án "Tăng cường tiếng nói và năng lực của các nhóm nông dân dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương trong ứng phó biến đổi khí hậu tại Tây Bắc Việt Nam (VOF)" do Hiệp hội tổ chức xã hội dân sự Đan Mạch (CISU) tài trợ thông qua Tổ chức phát triển nông nghiệp Đan Mạch châu Á (ADDA) và do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) điều phối, thực hiện cùng Hội Nông dân tỉnh Lai Châu, Sơn La. Với những hiệu quả bước đầu đem lại, mô hình vinh dự được xướng tên tại Giải thưởng Hành động vì cộng đồng Human Act Prize 2023.
Người đóng vai trò quan trọng của dự án và điều phối là ông Nguyễn Đức Tố Lưu tốt nghiệp đại học ngành nông hóa thổ nhưỡng và cao học ngành nông hoá thổ nhưỡng – sinh vật đất tại Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Nga mang tên Lômônôxôp – Matxcơva. Ông cũng đã tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành tiếng Anh tại Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.
Ông Lưu đã có gần 15 năm kinh nghiệm làm việc tại các cơ quan: Viện Công nghệ sau thu hoạch, Trung tâm Công nghệ Sinh học Thực vật, Công ty Giống Lâm nghiệp Trung ương, Công ty Thương mại Rollton Ltd (Nga) trước khi tham gia PanNature vào tháng 11/2009. Hiện anh là hội viên của Chương trình bảo tồn cây lá kim quốc tế và Hội Sinh vật cảnh Hà Nội. Chuyên ngành đào tạo: Nông hoá Thổ nhưỡng – Sinh vật đất (Thạc sĩ).
Mô hình dự án tập trung vào hai khía cạnh quan trọng là giảm thiểu phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, việc lựa chọn mô hình còn phải phát huy thế mạnh cây trồng của vùng miền và thúc đẩy sản xuất hữu cơ tại địa phương.
Nói về sáng kiến, ông Nguyễn Đức Tố Lưu (điều phối viên Trung tâm Con người và Thiên nhiên -PanNature) cho biết, mô hình cấy lúa theo phương thức SRI không phải là mô hình mới, tuy nhiên, việc áp dụng trong canh tác giống lúa nếp tan đặc sản và sản xuất theo tiêu chuẩn OCOP là một sự đột phá mà ít vùng miền triển khai.
Đặc biệt, mô hình này không tách biệt riêng lẻ mà được kết nối chặt chẽ với một số mô hình phụ trợ khác, tạo thành vòng tuần hoàn theo phương thức "làng nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu".
Cụ thể: song song với việc tập huấn cho bà con trong bản thực hiện mô hình cấy lúa nếp tan theo phương thức SRI, dự án hỗ trợ các hộ thực hiện 2 mô hình phụ trợ bao gồm: mô hình nuôi gà xương đen có sử dụng đệm lót sinh học và mô hình ủ phân tại đồng ruộng.
Trong đó, mô hình nuôi gà xương đen có sử dụng đệm lót sinh học vừa giúp nâng cao thu nhập cho người dân (thị trường gà xương đen khá ổn định, giá cao), vừa hỗ trợ mô hình ủ phân nhằm cung ứng nguồn phân hữu cơ cho mô hình lúa. Việc sử dụng đệm lót sinh học trong quá trình nuôi gà giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giảm phát thải khí thải trong quá trình chăn nuôi. Ngoài ra, mô hình ủ phân cũng có vai trò quan trọng khi tận dụng được lượng rơm rạ tại đồng ruộng và tận dụng nguồn phân từ chăn nuôi để tạo ra lượng phân hữu cơ cho trồng lúa, giúp giảm thiểu việc đốt rơm vốn gây phát thải khí nhà kính và tiết kiệm chi phí mua phân bón hóa học.
Điều phối viên Nguyễn Đức Tố Lưu đồng thời cũng được coi là người đầu tiên truyền cảm hứng đến bà con, chia sẻ, khởi đầu từ năm 2019 dự án Làng Nông nghiệp ứng phó với Biến đổi khí hậu tại bắt đầu khảo sát và thí điểm tại xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.
Từ những khó khăn khi thực hành nông nghiệp thân thiện
Nhóm nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu ở thôn Hợp 1, được lập ra đầu tiên để làm nòng cốt tiên phong cho quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển sinh kế nông nghiệp bền vững.
Sứ mệnh và mục tiêu của PanNature là phải làm thế nào để nâng cao nhận thức cho nông dân thông qua việc sinh hoạt thường xuyên của nhóm, các đợt tập huấn tại thôn bản cũng như đi tham quan học hỏi các nơi khác, tạo cảm hứng và sự tự tin cho người nông dân.
Từ đây, nhóm nông dân thích ứng tự bàn thảo và lựa chọn cây trồng vật nuôi theo tiềm năng của địa phương để phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng thân thiện với môi trường.
Năm 2021 có 10 hộ nông dân thử nghiệm trồng lúa nếp tan theo phương thức cải tiến trên diện tích 5 ha. 4 hộ dân nuôi gà xương đen.
Theo điều phối viên, với diện tích 5ha ban đầu trồng giống lúa nếp tan, phương thức canh tác cải tiến đã cho năng suất đạt 8,5 tấn thóc tươi/ ha (tăng 1,5 tấn/ha) so với phương thức cũ.
Điều đáng nói, con số khả quan này không hề được đánh đổi bằng quá trình canh tác thiếu bền vững, mà ngược lại quá trình canh tác phương thức cải tiến giúp giảm giống, nước, phân bón, thuốc trừ sâu, công chăm sóc và giảm đáng kể việc gây ô nhiễm môi trường so với lối canh tác cũ.
Nhóm nông dân thích ứng tham gia vào lập kế hoạch sản xuất hàng năm với UBND xã Bản Lang, quyết định mở rộng diện tích trồng lúa nếp tan theo phương thức cải tiến.
Trở lại với dự án sản xuất lúa nếp tan theo phương thức canh tác cải tiến (SRI) tại bản Hợp 1, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, ông Lưu nhấn mạnh, từ kết quả nghiên cứu ở vùng Tây Bắc, PanNature nhận thấy việc áp dụng các phương thức thực hành nông nghiệp thông minh ở cộng đồng gặp nhiều thách thức, không chỉ về mặt kỹ thuật mà còn ở nhiều khía cạnh khác, như: thiếu hiểu biết và kiến thức về nông nghiệp thân thiện và biến đổi khí hậu dẫn đến thiếu chủ động trong việc ứng phó, áp dụng các kỹ thuật này; Tập quán canh tác cũ, thiếu bền vững và thiếu hiệu quả; Thiếu những bên cung cấp dịch vụ và vật tư đáp ứng cho kỹ thuật thân thiện; Bị hạn chế bởi những quy định và chỉ tiêu kinh tế - xã hội không phù hợp của địa phương, sự thiếu đồng bộ trong sản xuất về lịch mùa vụ, điều tiết nước tưới tiêu… tại địa phương; Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, khó ứng phó với các biến đổi của thời tiết khí hậu; Sự bấp bênh của thị trường nông sản và khả năng tiêu thụ chế biến ở địa phương; Sự tham gia hạn chế vào lập kế hoạch làm giảm mức độ quan tâm của người dân đối với các hỗ trợ về vốn và kỹ thuật của nhà nước.
"Từ thực tế trên, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã đưa ra mô hình Làng Nông nghiệp thích ứng với Biến đổi khí hậu lấy người nông dân làm trung tâm trong ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển sinh kế cộng đồng bền vững. PanNature phối hợp với các đối tác xây dựng 6 làng nông nghiệp thích ứng ở 6 bản thuộc 6 huyện tại hai tỉnh Lai Châu và Sơn La trong thời gian từ năm 2020 đến năm 2022", ông Lưu cho biết.
Ông Trần Tiến Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu chia sẻ: "Muốn phát triển bền vững thì chúng ta phải đảm bảo được môi trường. Qua dự án này, các kỹ thuật trồng hạn chế việc tác động những thuốc bảo vệ thực vật tác động xấu liên quan đến nguồn nước. Chúng tôi thấy rất mừng khi giống lúa này thích ứng với kĩ thuật trồng mới gắn với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, thì bà con nông dân ở đây đã được hưởng lợi và sẽ được hưởng lợi, giá trị thương mại sẽ cao hơn, từ đó sẽ phát triển được nền nông nghiệp bền vững".
Đến sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao
Ông Vàng Văn Chẻo, Trưởng Nhóm Nông dân thích ứng biến đổi khí hậu bản Hợp 1, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu chia sẻ: "Mấy năm trước, một sào mất tới 5 cân giống mà thu hoạch về không được nhiều, chưa kể tốn công cấy. Giờ cấy theo phương pháp mới chỉ mất 3 cân giống là được một sào. Thế là vừa ít mất giống, lại ít mất công, chủ yếu là cấy được nhanh hơn. Như ruộng nhà tôi trước đây, 29 - 30 người cấy một ngày không xong. Ba năm nay cấy theo phương pháp mới, tôi chỉ cần 10 người cấy trong một buổi. Mình cấy thưa thì làm cỏ cũng dễ, cây lúa cũng đẹp, bông to, hạt to và năng suất hơn. Nói chung là từ khi tham gia mô hình, bà con được nhiều cái lợi. Ruộng lúa phát triển, bà con cũng đủ ăn, hàng năm không phải đói nữa, và lại lợi cho cả bản vì không ô nhiễm môi trường".
Còn ông Mù A Trừ - Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Lai Châu, nhận xét: "Vụ này 38 hộ nông dân đăng kí nâng lên 30 ha, theo bà con đánh giá so với cấy lúa truyền thống thì chất lượng tốt hơn, giảm phân bón, giảm công và chăm sóc đỡ hơn".
Ông Mù A Trử và ông Vàng A Chẻo trên cánh đồng lúa nếp tan
Theo thống kê năm 2022 của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, diện tích lúa nếp tan của xã Bản Lang hiện đã tăng lên 150 ha và toàn bộ diện tích lúa nếp tan này đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Chắc chắn mô hình sẽ còn được áp dụng và tiếp tục nhân rộng tại địa phương cũng như các bản, xã lân cận trong thời gian tới.
Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ đã đến đặt vấn đề với Hội nông dân Lai Châu để phát triển vùng trồng lúa nếp tan ở Bản Lang thành sản xuất lúa hữu cơ. Đây là một cơ hội mở rộng và tăng cường cho mô hình này.
Mô hình Làng nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu với hạt nhân là Nhóm nông dân thích ứng đã được vận dụng ở một số địa phương khác ngoài vùng dự án, như đối với mô hình Làng nông lâm nghiệp thông minh đang được thực hiện ở xã Kon Pne, huyện Kbang, Gia Lai.
Doanh thu: Tổng cộng 2 năm ước đạt 3.286.000.000 đồng
5 ha lúa nếp tan năm 2023 thu được 26 lúa, bán thu về khoảng 468 triệu đồng.
30 ha lúa nếp tan đạt chất lượng OCOP thu được 156 tấn lúa, bán thu về 2,8 tỉ đồng.
Gà xương đen nuôi bán được khoảng 10.000.000 đ.
Năng suất lúa nếp tan đạt 5,2 tấn/ha, tăng so với đối chứng từ 1-1,2 tấn/ha (20 %).
Lợi nhuận trung bình cho 1 ha lúa nếp tan cải tiến là 55.727.000 đ/ha, tăng 31.777.000 đ/ha so với lúa trồng theo phương thức thông thường.
Mức thu nhập trung bình của người dân ở vùng Dự án ghi nhận tăng từ 17 triệu đồng/năm trước Dự án lên 21 triệu đồng/ năm sau Dự án, trong đó thu nhập chính là từ lúa nếp tan.
Giá bán gạo OCOP tăng so với gạo sản xuất thông thường 15 – 20%
Giảm 20% - 25% lượng phân đạm cần bón cho 1ha
Giảm khoảng 30% lượng nước tưới cần thiết cho lúa.
Lượng khí nhà kính giảm so với sản xuất thông thường: giảm 50%, 19.500kg CH4/ha, hay 6.825 tấn CH4 từ 35 ha lúa của cả 2 năm.
Các con số khác:
30 người: Được tập huấn về mô hình SRI
100 hộ: Được hưởng lợi trực tiếp từ mô hình
500 hộ: Hưởng lợi từ việc nhân rộng mô hình.
Với sự kết nối của hội nông dân tỉnh, nhóm nông dân thích ứng biến đổi khí hậu, người nông dân đã kí cam kết hợp tác với Cty TNHH một thành viên giống vật tư nông nghiệp Tây Bắc nhằm thúc đẩy sản phẩm lúa nếp tan tiếp cận thị trường, sản phẩm lúa nếp tan của bà con Tấy Bắc đã có mặt trên khắp cả nước.
Nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu
Xã Bản Lang có diện tích đất nông nghiệp khá ít, chỉ chiếm 16,5% diện tích đất tự nhiên của xã, trong đó lúa là một trong những cây trồng quan trọng nhất. Toàn xã có 365 ha lúa nước, diện tích được duy trì ổn định qua các năm, trong đó 50% là diện tích lúa nếp, 50% là diện tích lúa tẻ. Lúa nếp tại Bản Lang là lúa nếp tan - loại lúa ngon, giá khá cao và ổn định về quy hoạch, có thể phát triển nhân rộng theo định hướng đặc sản vùng miền.
Lúa Bản Lang được canh tác theo hình thức lúa nước, độc canh. Tuy nhiên, việc canh tác lúa vốn chịu nhiều ảnh hưởng của các vấn đề thời tiết cực đoan như: rét đậm rét hại chủ yếu làm chết mạ non và lúa mới cấy vụ đông xuân; khô hạn làm lúa chậm phát triển, dễ bị bệnh dẫn tới năng suất giảm. Người dân ước tính khô hạn có thể làm giảm từ 20 – 30% năng suất lúa. Ngoài ra, các hiện tượng lũ lụt và sạt lở đất cũng làm mất nhiều diện tích đất nông nghiệp sản xuất, đặc biệt trong mùa mưa lớn.
Biến đổi khí hậu đã và sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực lên năng suất và chất lượng lúa của địa phương, tuy nhiên, chính hoạt động canh tác nông nghiệp, đặc biệt là canh tác lúa lại "đóng góp" một phần không nhỏ vào việc phát thải khí nhà kính – vốn là nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu.
Hình thức canh tác lúa theo phương thức ngập nước toàn vụ khiến chất hữu cơ trong đất bị phân hủy trong môi trường yếm khí sinh ra khí mê tan (CH4) – một trong những loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh nhất. Bên cạnh đó, việc sử dụng phân bón dư đạm cho lúa kết hợp với nhiệt độ nắng nóng cũng làm phát thải một lượng lớn ammonia (NH4), gây ô nhiễm không khí và góp phần làm trầm trọng tình trạng biến đổi khí hậu. Đặc biệt, việc đốt rơm, rạ ngoài đồng hoặc vùi rơm, rạ vào đất sau mỗi vụ thu hoạch cũng đóng góp đáng kể vào việc phát thải khí carbon dioxide (CO2).
"Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp và nhà tài trợ Kim cương Bắc Á Bank. Giải thưởng nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.
Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.
Trong khuôn khổ vòng chung kết của Giải thưởng, Triển lãm Hành động vì cộng đồng 2023 sẽ được diễn ra từ ngày 24/11 - 3/12 Tại Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội, và Gala trao giải sẽ được diễn ra vào 12/12 tại Nhà hát Hồ Gươm - Hà Nội.
Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org
Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize