"Let us live in peace and love. Let us forget the last things" (Tạm dịch: Xin cho chúng con được sống trong hòa bình và tình thương yêu. Hãy giúp chúng con quên đi những điều đã qua). Đây là những dòng chữ trên tấm bảng tại một trường học ở Bentiu, Cộng hòa Nam Sudan.
Chỉ là vài từ ngắn gọn nhưng những con chữ ấy lại chứa đựng nỗi khát khao, mong ước được sống trong một môi trường hòa bình, ổn định và trong lành của trẻ em, cũng như người dân nơi đây.
Thế nhưng, trong giai đoạn 2021-2022, Nam Sudan phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Đó là tình hình chiến sự bất ổn, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và đặc biệt là thảm họa lũ lụt lớn nhất trong 60 năm qua. Nhà cửa bị phá hủy, mùa màng bị hủy hoại, người dân phải di dời trong tuyệt vọng, tìm kiếm vùng đất cao hơn để trú ẩn.
Thống kê của Tổ chức cứu trợ trẻ em Save the Children tháng 10/2022 cho thấy, Nam Sudan đang đứng đầu danh sách các nước châu Phi có nhiều khả năng đối mặt với "mối đe dọa kép" (đói nghèo + thảm họa khí hậu), với 87% trẻ em ở nước này bị ảnh hưởng.
Ông Arafat Jamal - Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) tại Nam Sudan nhấn mạnh: "Người dân Nam Sudan đang chịu thiệt hại lớn nhất trong cuộc chiến mà họ không lựa chọn. Quốc gia này đang ở tuyến đầu của tình trạng khẩn cấp về khí hậu".
Trong bối cảnh đó, khắc phục và bảo vệ môi trường trở thành nhiệm vụ cấp thiết hơn bao giờ hết.
Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 lên đường thực hiện nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan. Ảnh: QĐND
Tháng 3/2021, sau khi tiếp nhận công tác từ đơn vị đi trước tại Phân khu Unity, phái bộ UNMISS ở Bentiu (Nam Sudan) cán bộ nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 Việt Nam (BVDC 2.3) đã đã đặt ra nhiệm vụ phải nhanh chóng hành động để có thể hỗ trợ phái bộ, cũng như cộng đồng người dân địa phương ở Nam Sudan cải thiện môi trường sống.
Dự án "Chiến sĩ Mũ nồi xanh Việt Nam Chung tay bảo vệ môi trường tại địa bàn đóng quân trong thực hiện nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc" đã được triển khai.
Dự án là một chuỗi các hoạt động tình nguyện do cán bộ và nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 Việt Nam tại Nam Sudan thực hiện, tập trung vào 4 mục tiêu chính:
1. Tạo ra môi trường sống và làm việc sạch sẽ, an toàn cho cả cán bộ, nhân viên LHQ và cộng đồng dân cư địa phương tại Nam Sudan.
2. Nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường của chính quyền nước sở tại, cộng đồng dân cư địa phương và cán bộ, nhân viên LHQ.
3. Tạo ra sự lan tỏa năng lượng tích cực trong các hoạt động bảo vệ môi trường, khuyến khích từng cá nhân cũng như tập thể cùng chung tay hành động bảo vệ môi trường, nhất là thế hệ trẻ, học sinh tại các trường học.
4. Quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam thân thiện, yêu hòa bình, mang "văn hóa xanh, lối sống xanh" tới bè bạn quốc tế. Đồng thời, dự án cũng như coi bảo vệ môi trường là một phần trong sứ mệnh ngăn chặn xung đột và bảo vệ hòa bình cho quốc gia Nam Sudan cũng như trên toàn thế giới.
Dự án được thực hiện trong địa bàn đóng quân của UNMISS, bao gồm khuôn viên đơn vị, khuôn viên nơi ở và làm việc của nhân viên LHQ, cộng đồng dân cư, các cơ quan địa phương, trường học của bang Bentiu, các đơn vị quốc tế, LHQ tại phân khu và các phân khu khác tại Phái bộ UNMISS.
Cây Nêu 'gây sốt' ở Nam Sudan
Những ngày giáp Tết Nhâm Dần (2022), hình ảnh cây Nêu Việt Nam tại UNMISS đã khiến nhiều người bất ngờ vì sự độc đáo.
Thân cây dài 10m được làm từ ăng-ten cũ, xung quanh là các dây cờ đủ sắc màu và chùm dây trang trí tái chế từ nylon. Ngọn cây được trang trí bằng một chiếc chuông gió làm từ ống trúc.
Trên đỉnh cao nhất của cây Nêu là lá cờ Tổ quốc Việt Nam kiêu hãnh tung bay giữa nắng gió châu Phi, biểu trưng cho ý chí kiên cường, cũng như quyết tâm thực hiện nhiệm vụ của người lính Bộ đội Cụ Hồ.
Nhưng không dừng lại ở đó, hình ảnh cây Nêu tại UNMISS còn truyền đi một thông điệp mạnh mẽ về bảo vệ môi trường: Tái chế đồ dùng đã qua sử dụng.
Đây cũng là một trong những hoạt động chính được thúc đẩy xuyên suốt dự án "Chiến sĩ Mũ nồi xanh Việt Nam Chung tay bảo vệ môi trường tại địa bàn đóng quân trong thực hiện nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc" của BVDC 2.3.
Cây nêu Tết Nhâm Dần được dựng trong khuôn viên Bệnh viện dã chiến 2.3, nổi bật giữa nắng gió Nam Sudan. Ảnh: BVDC 2.3
Rác thải hàng ngày được tái chế thành các sản phẩm quà tặng, đồ chơi cho học sinh, trẻ em địa phương, sử dụng các loại gỗ thừa từ các thùng đóng hàng để đóng bàn ghế học tập cho các trường học...
Những chiếc chong chóng xinh xắn sặc sỡ được tái chế từ rác thải nhựa, trang trí quanh khu vực trồng cây đã tạo niềm vui và sự hứng khởi cho các em học sinh ở Nam Sudan. Điều này giúp các em nhỏ vô cùng thích thú và có nhận thức tốt về môi trường, tự nâng cao nhận thức bảo vệ hệ sinh thái quanh mình.
Gần 1.000 cây giống phủ xanh đất cằn
Bên cạnh tái chế rác thải, hoạt động trồng cây được BVDC 2.3 triển khai thường xuyên trong dự án này, với mong muốn lan tỏa "lối sống xanh" tới bè bạn 5 châu.
Ngay từ ngày đặt chân tới địa bàn công tác, BVDC 2.3 đã tích cực thu thập hạt giống, ươm mầm xanh và trồng gần 1.000 cây giống trong và ngoài đơn vị. Cây giống từ vườn ươm của bệnh viện đã được chuyển tới nhiều cơ quan, trường học, bệnh viện tại địa bàn cũng như các vùng lân cận, góp phần mang lại màu xanh và sức sống cho khu vực Bentiu.
Hoạt động trồng cây đã thu hút sự tham gia của rất nhiều người dân địa phương. Ban đầu họ tìm đến vì sự yêu mến bộ đội Việt Nam và tò mò, nhưng sau khi cùng tham gia trồng và được nghe những y bác sĩ Việt Nam nói về ý nghĩa của việc trồng cây, người dân Nam Sudan tỏ ra rất thích thú và hưởng ứng. Cuối buổi trồng cây, người dân còn chủ động xin cây giống về trồng và chăm sóc.
Đoàn viên, thanh niên BVDC 2.3 cùng người dân địa phương trồng cây xanh - Ảnh: BVDC 2.3
Bất ngờ thú vị cho đại biểu quốc tế
Tháng 12/2021, trong lần tới Bentiu để tham gia cuộc họp về tình hình lũ lụt lớn nhất trong lịch sử 60 năm tại Nam Sudan, đại biểu quốc tế đến từ các tổ chức Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức di cư quốc tế (IOM), OCHA (Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ ở Juba). UNICEF (Quỹ Nhi đồng LHQ)... đều vô cùng ấn tượng khi họ bước vào gian phòng được bài trí đặc biệt.
Nhiệm vụ này do các cán bộ và nhân viên BVDC 2.3 đảm nhiệm. Đây là lần thứ 2 đơn vị được UNMISS tin tưởng giao trọng trách trang trí phòng họp chính của Phân khu Unity cùng phục vụ thức uống và đồ ăn nhẹ trong buổi đón tiếp.
Bên cạnh các món ăn đặc trưng Việt Nam, trà hoa cúc nấu cùng những trái bí đao tươi do chính tay các y bác sĩ mũ nồi xanh Việt Nam trồng, cách bài trí đẹp mắt với điểm nhấn là các vật dụng thủ công mỹ nghệ Việt thân thiện với môi trường, như ly, cốc, dĩa, nĩa, khay, hộp khăn giấy được làm hoàn toàn từ gỗ tre, dừa... chính là thông điệp tích cực về bảo vệ môi trường mà BVDC 2.3 mang đến Phái bộ.
Trong dự án "Chiến sĩ Mũ nồi xanh Việt Nam Chung tay bảo vệ môi trường tại địa bàn đóng quân trong thực hiện nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc", hoạt động khích lệ người dân địa phương sử dụng các đồ dùng, dụng cụ thân thiện với môi trường đã được thúc đẩy mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, BVDC 2.3 đã tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục về vệ sinh môi trường tại từng trường học, khu dân cư, bệnh viện, đồng thời kết hợp công tác kiểm tra phòng dịch tại phân khu với việc tuyên truyền và vận động các đơn vị quốc tế khác cùng bảo vệ môi trường sống, cũng như làm việc.
Bạn bè quốc tế ấn tượng với điểm nhấn là các vật dụng thủ công mỹ nghệ thân thiện với môi trường. Ảnh: CAND
Trong quá trình thực hiện, ngoài những khó khăn về chính trị - kinh tế - xã hội thì môi trường đa quốc gia, đa văn hóa, đa ngôn ngữ, nguồn kinh phí và nhân lực hạn hẹp... cũng là những rào cản với các cán bộ của BVDC 2.3. Tuy nhiên, với tinh thần tương thân tương ái, BVDC 2.3 vẫn quyết tâm thực hiện nhiệm vụ đặt ra.
Với những kết quả đã đạt được, dự án "Chiến sĩ Mũ nồi xanh Việt Nam Chung tay bảo vệ môi trường tại địa bàn đóng quân trong thực hiện nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc" đã gây được nhiều tiếng vang trong cộng đồng quốc tế, tác động một phần không nhỏ tới nhận thức về Bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ, nhất là hơn 1.000 học sinh tại 6 điểm trường đã được BVDC 2.3 thăm và giao lưu.
BVDC 2.3 đã truyền đi thông điệp tích cực về bảo vệ môi trường trong suốt thời gian làm nhiệm vụ. Ảnh: BVDC 2.3
Nỗ lực, cũng như thành quả của dự án đã được ghi nhận tại Hạng mục dự án thuộc Thư viện sáng kiến cộng đồng, nằm trong khuôn khổ Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize 2023.
Đây là hạng mục giành cho những dự án cộng đồng, CSR hoặc Phát triển bền vững có những sáng kiến đột phá, tạo được tác động sâu rộng, bền vững hoặc giải quyết được những vấn đề cấp thiết của xã hội.
Với chủ đề "Dấu ấn tiên phong", giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize năm 2023 tôn vinh những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không ngần ngại dấn bước cống hiến vì cộng đồng, đặt những bước đầu tiên trên hành trình đầy thách thức, bất chấp mọi khó khăn, kiên định với giá trị nhân văn, niềm tin về sự phát triển bền vững.
"Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp và nhà tài trợ Kim cương Bắc Á Bank. Giải thưởng nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.
Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.
Trong khuôn khổ vòng chung kết của Giải thưởng, Triển lãm Hành động vì cộng đồng 2023 sẽ được diễn ra từ ngày 24/11 - 3/12 Tại Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội, và Gala trao giải sẽ được diễn ra vào 12/12 tại Nhà hát Hồ Gươm - Hà Nội.
Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org
Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize