"Mỹ nhân" đứng sau đế chế Mercedes-Benz: Mượn của hồi môn để dồn tiền cho chồng thành lập nhà xưởng, tự đi 180km để thử nghiệm xe, làm thay đổi cả ngành công nghiệp ô tô

Không có sự liều lĩnh của Bertha, công ty Benz tại Mennhein không bao giờ được hình thành. Chúng ta cũng chẳng có một đế chế Mercedes-Benz hùng mạnh trong làng xe sang như ngày nay.

Ở thời điểm hiện tại, ô tô có thể là phương tiện đi đến mọi nơi một cách dễ dàng. Tuy nhiên vào cuối thế kỷ 19, những chiếc ô tô không dành cho những chuyến đi quá dài. Muốn đi xa, người ta thường phải dùng đến ngựa.

Song mọi sự cải tiến bắt đầu từ khi vợ của Carl Benz, nhà sáng lập hãng xe Mercedes-Benz thực hiện một hành trình để chứng minh ô tô hoàn toàn có thể đi được đường dài. Không cần chồng hỗ trợ mà chỉ có hai cậu con trai bên cạnh, Bertha Benz đã lái chiếc xe mà ngày nay chúng ta gọi là ô tô hàng trăm km từ Mannheim đến Pforzheim. Đây thực sự là bước ngoặt để ngành ô tô có những bước tiến sau này.

Mỹ nhân đứng sau đế chế Mercedes-Benz: Mượn của hồi môn để dồn tiền cho chồng thành lập nhà xưởng, tự đi 180km để thử nghiệm xe, làm thay đổi cả ngành công nghiệp ô tô  - Ảnh 1.

Bà Bertha Benz cùng chồng là Karl Benz đã sáng lập ra hãng xe nổi tiếng thế giới Mercedes-Ben

Mượn tiền hồi môn, tạm ứng cả tiền thừa kế để chồng chưa cưới thành lập nhà xưởng

Sinh ra tại Đức, Bertha Benz là con gái thứ 9 của nhà Karl Friedrich Ringer và Auguste Friederike. Nhiều nhà sử học trong ngành ô tô đánh giá bà là một trong những người phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô hiện đại.

Mùa hè năm 1970, Bertha gặp chàng kỹ sư Carl Benz trẻ tuổi và tình yêu nhanh chóng nảy nở. Tham vọng và kiến thức của họ giống như ''trời sinh một cặp'' với những dự định lớn.

Mỹ nhân đứng sau đế chế Mercedes-Benz: Mượn của hồi môn để dồn tiền cho chồng thành lập nhà xưởng, tự đi 180km để thử nghiệm xe, làm thay đổi cả ngành công nghiệp ô tô  - Ảnh 2.

Carl Benz thời sinh viên, khoảng năm 1860

Dự kiến sau khi Carl Benz thành lập xưởng chế tạo tại Mannheim, cả 2 sẽ cùng nhau tổ chức hôn lễ. Tuy nhiên xảy ra bất đồng với đối tác nên việc thành lập bị đình trệ. Biết chuyện, cô đã hối thúc cha mình đưa tiền hồi môn cho Carl Benz trước lễ cưới, thậm chí ứng cả tiền thừa kế sau này cô nhận được để vị hôn thê có thể tự mình xây dựng xưởng chế tạo mà không cần hỏi ý kiến đối tác nữa.

Hôn lễ của 2 người chính thức được diễn ra vào 20/7/1872. Một năm sau họ đón đứa con trai đầu tiên. Quãng thời gian 15 năm sau đó của nhà Benz là chuỗi ngày khó khăn nhất mà họ phải đối mặt. Tham vọng lớn nhưng khả năng tài chính bị giới hạn, Carl phải cố gắng sống sót ngày qua ngày với khoản thu hạn hẹp trong khi liên tục nâng cấp trang thiết bị tại xưởng đồng thời thử nghiệm các phát minh mới.

Bất chấp khó khăn như núi, Bertha lại chính là điểm tựa vững chắc cho Carl trong những ngày tháng đen tối nhất của sự nghiệp. Trái với người chồng tài giỏi nhưng có phần tự ti, Bertha là một người phụ nữ mạnh mẽ, giàu năng lượng và nghị lực. Ngay cả khi Carl Benz thất bại liên tục, bà vẫn luôn tìm được cách động viên chồng đứng lên hết lần này đến lần khác và tiếp tục làm vậy trong suốt 60 năm chung sống cùng nhau.

Tới năm 1879, Carl bắt tay vào thử nghiệm động cơ thương mại đầu tiên trong lịch sử. Ngay trong đêm giao thừa khi 3 đứa con còn đang say giấc, tiếng động cơ xe vang vọng cùng tiếng chuông báo hiệu năm mới cho thấy thử nghiệm ban đầu của Carl và Bertha đã thành công.

Mỹ nhân đứng sau đế chế Mercedes-Benz: Mượn của hồi môn để dồn tiền cho chồng thành lập nhà xưởng, tự đi 180km để thử nghiệm xe, làm thay đổi cả ngành công nghiệp ô tô  - Ảnh 3.

Một trong những chiếc xe đầu tiên được vợ chồng Benz sáng chế.

Không chỉ là chỗ dựa tinh thần, nền tảng kiến thức của Bertha còn giúp Carl Benz vô cùng hiệu quả. Bertha liên tục xuất hiện trong các buổi chạy thử của Benz, góp ý trong quá trình chế tạo, người xuống xe đẩy khi động cơ bất ngờ chết máy...

Những lần chạy thử trên quãng đường ngắn dần mượt mà hơn khiến Carl bắt đầu tự hỏi liệu chiếc xe mình chế tạo có đủ sức vận hành đường dài. Một lần nữa người giải cứu Carl lại chính là vợ ông, Bertha Benz.

Giấu chồng, tự lái xe để kiếm chứng chất lượng ô tô

Bertha hiểu những phát minh của chồng mình có ý nghĩa như thế nào đối với thế giới. Thế nhưng để thương mại hoá được sản phẩm, khách hàng cần phải được kiểm chứng. Bertha đã không ngần ngại tự đứng ra thực hiện một chuyến đi dài chưa từng có để chứng minh chiếc ô tô chạy bằng xăng hoàn toàn có thể ''chiến thắng'' những cỗ xe ngựa vào thời điểm đó.

Bertha quyết định đến nơi bà được sinh ra - Pforzheim, nhưng không cho ông Carl biết bất cứ điều gì. Bà chỉ để lại cho chồng một mảnh giấy nhắn rằng 3 mẹ con đã đi về quê ngoại. Tuy nhiên, Bertha lại không thông báo cho Carl biết rằng bà đang lấy một trong những chiếc xe của ông để di chuyển. Patent Motor Car – chiếc xe mà Bertha cầm lái khi đó cũng là chiếc ô tô đầu tiên trên thế giới.

Đây thực sự là một hành trình khó khăn đối với 3 mẹ con bà Bertha, không chỉ là bà quên đường đến Pforzheim mà còn là việc bà gặp khó khăn để khởi động chiếc xe. Thế nhưng đó chưa phải là chuyện ''bi hài'' nhất trong chuyến đi này. Khi đang trên đường, bà thấy bình xăng của chiếc xe đã gần như cạn kiệt. Vì vậy, 3 mẹ con phải dừng lại ở một tiệm bán hóa chất bên đường để nạp thêm nhiên liệu. Tiệm hóa chất này vẫn tồn tại cho đến ngày nay và được coi là trạm xăng đầu tiên trên thế giới.

Làm mát động cơ ra sao cũng là mối đau đầu của Bertha và Carl trước đó. Trong suốt hành trình 180km cả đi và về, mỗi khi có cơ hội ba mẹ con lại tìm nước để dội vào động cơ để làm mát. Chính bà cũng là người chăm chút và để ý từng chi tiết nhỏ của chiếc Patent Motor Car và xử lý mọi nảy sinh từ thông đường dẫn nhiên liệu bằng kẹp tóc đến bọc lại lớp cách điện cho dây đánh lửa bị mòn...

Chiếc xe có động cơ khá yếu. Nó yếu đến nỗi, khi lên dốc, các con trai của Bertha phải xuống để đẩy lên. Việc xuống dốc cũng không dễ dàng khi phanh bị mòn đáng kể. Trên hành trình trở về, Bertha dừng lại để nhờ một người thợ giày da lót thêm một lớp đệm lót bằng da cho phanh xe. Người này cũng được coi là người đầu tiên chế tạo ra má phanh.

Cuối cùng, họ cũng trở về nhà an toàn, điều này khiến Carl Benz vô cùng thích thú. Bertha và các con trai của bà đã chứng minh cho Carl thấy rằng phát minh của ông là một thành công.

Quả ngọt đến với gia đình Benz vào 1906, thời điểm họ rời khỏi Mannheim và chuyển tới Ladenburg thành lập nhà máy riêng Carl Benz Sohne. Chiếc xe đầu tiên lăn bánh khỏi nhà máy vào 1908 đánh dấu một chương mới trong nền công nghiệp ô tô toàn cầu – giai đoạn những cỗ máy cơ khí chính thức thay thế ngựa trở thành phương tiện vận chuyển hàng đầu.

Mỹ nhân đứng sau đế chế Mercedes-Benz: Mượn của hồi môn để dồn tiền cho chồng thành lập nhà xưởng, tự đi 180km để thử nghiệm xe, làm thay đổi cả ngành công nghiệp ô tô  - Ảnh 4.

Bertha Benz ngồi bên cạnh chồng Carl Benz trên mẫu xe Benz Victoria 1894

Trong suốt quãng thời gian vinh quang sau này, Carl Benz luôn nhớ công người vợ đã cùng ông theo đuổi đam mê và giúp mình vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Gần như không bao giờ Carl xuất hiện trên các lễ trao giải, những bục vinh danh mà không có Bertha đứng cạnh. Bà đồng hành cùng ông tới cuối con đường – 4/4/1929, thời điểm kỹ sư người Đức vĩ đại qua đời.

Cho đến tận bây giờ tên tuổi của bà vẫn được khẳng định là có tầm quan trọng trong việc thúc đẩy nền công nghiệp ô tô toàn cầu. Không có Bertha, chúng ta không có một Carl Benz đứng sau chiếc ô tô nguyên bản đầu tiên trên thế giới.

Tổng hợp