10 năm xây 17 ngôi trường cho trẻ em miền núi
Sau một chuyến đi chơi xa, Nguyễn Bình Nam, kỹ sư ngành điện, sống ở Đà Nẵng và một số người bạn có cùng quan điểm "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình", đã lập nên Câu lạc bộ Bạn thương nhau.
Thời gian đầu hoạt động, CLB chủ yếu tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, năm 2013, trong lần tổ chức chương trình Tết vùng cao tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam), anh và những người bạn không thể kiềm lòng khi chứng kiến cảnh thầy trò phải chen chúc trong lớp học tạm bợ dựng trên nền của một chuồng nuôi heo cũ nát, nền đất sình lầy, bốn bề trống hoác.
"Lớp học xập xệ dựng bằng gỗ cheo leo trên triền núi, mái tôn thủng lỗ chỗ, bàn ghế rệu rã, tấm bảng thì rách chia đôi, một bên dành cho lớp 1, một bên của lớp 2, khiến ai cũng nhói lòng. Về lại thành phố nhưng những hình ảnh về điểm trường Nước Ui cứ khiến tôi trăn trở mãi. Ngay sáng hôm sau, chúng tôi đã cùng nhau bàn bạc và lên kế hoạch xây dựng một ngôi trường kiên cố, khang trang hơn", anh Nam nhớ lại.
Theo "thủ lĩnh" câu lạc bộ Bạn thương nhau, ban đầu dự tính chỉ làm 1 phòng học trong 3 tuần với kinh phí 50 triệu đồng. Tuy nhiên, do phát sinh thành 2 phòng học, điểm trường lại nằm heo hút giữa triền núi, trời mưa triền miên khiến việc vận chuyển vật liệu gặp nhiều khó khăn nên "đội" kinh phí lên đến 220 triệu đồng.
Hết tiền, anh Nam "đánh liều" đăng tải những hình ảnh sự thiếu thốn trường lớp, các em học sinh vùng cao lên facebook. Và điều kỳ diệu đã đến, chỉ vài giờ chia sẻ, chương trình của anh đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các nhà hảo tâm.
Nhìn niềm vui khôn xiết của thầy và trò khi được học ở ngôi trường khang trang, anh Nam và CLB quyết định chuyển hoạt động tình nguyện về giáo dục miền núi với phương châm "Đi thật xa - Nơi thật khó - Đến tận nơi - Trao tận tay".
Cứ thế, hơn 10 năm qua, CLB Bạn thương nhau đã in dấu chân thiện nguyện khắp các vùng núi ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum,… để trao tận tay người dân những phần quà ý nghĩa mà mình đã gom góp từ bao tấm lòng nhân ái. Toàn bộ kinh phí tổ chức, đi lại đều do các thành viên tự bỏ tiền túi ra.
Đến nay, anh Nam đã vận động xây được 17 điểm trường tại các vùng núi ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum. Những công trình này đều kiên cố, có phòng học, phòng cho các thầy cô giáo sinh hoạt, bếp, nhà vệ sinh,…
"Tất cả đều nhờ các nhà hảo tâm trên Facebook và sự chung tay, góp sức của những người bạn cùng chí hướng", anh Nam chia sẻ.
Anh Nam cho biết, việc xây dựng một ngôi trường trên núi không hề dễ dàng vì hầu hết phải vận chuyển vật liệu bằng sức người. Kỷ niệm khiến anh nhớ nhất là lúc xây điểm trường Ông Deo (huyện Nam Trà My). Do điểm trường này rất xa, mọi người phải thay nhau "cõng" tôn, thép, gạch, cát… lội qua suối và đi bộ 2 tiếng, trèo qua 3 ngọn núi mới tới nơi.
"Đường mòn rất nhỏ, một bên là vách đá, bên còn lại là vực sâu. Nhóm mất 1 tháng mới vận động được người dân địa phương hỗ trợ và 4 tháng để gùi từng viên gạch, bao xi măng đến điểm tập kết. Có lúc việc vận chuyển bế tắc vì người dân không chịu đi nữa. Nhiều người rất nhiệt tình vì con cái họ sắp có nơi học hành tử tế, nhưng đi như vậy thì họ không có thời gian đi rừng, vợ con bị đói. Sau đó, chúng tôi phải hỗ trợ thêm mỳ tôm, tiền cho bà con nhưng vẫn không ổn. Khi đó, một số người đề nghị chuyển sang xây trường gỗ nhưng chúng tôi không đồng ý vì đã quyết thì sẽ làm đến cùng", anh Nam nhớ lại.
Cuối cùng, ròng rã gần một năm băng rừng, lội suối, điểm trường này cũng hoàn thành, giúp gần 100 em học sinh mẫu giáo và tiểu học tại miền núi nghèo này có điều kiện học tập tốt hơn. Hiện, anh Nam vẫn thường xuyên giữ liên lạc với thầy cô tại đây để kịp thời hỗ trợ khi cần thiết.
Thắp sáng ước mơ vùng cao
Đến với trẻ vùng cao, chứng kiến những em nhỏ gầy gò, thấp bé, hằng ngày đi bộ đến trường với nắm cơm chỉ có rau rừng và muối, anh Nam quyết tâm mang đến cho các em những bữa cơm có đầy đủ chất dinh dưỡng hơn. Từ đó, CLB đã vận động triển khai thêm nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa như: "Bữa cơm miền núi", "Én nhỏ vùng cao", "Tủ sách vùng cao", "Tủ thuốc vùng cao",…
Điển hình là Dự án "Đi học trên núi" được triển khai từ tháng 9/2022 đến nay, đã giúp con đường đến trường của học trò vùng cao vơi bớt khó khăn. Dự án này hoạt động trên phương châm "Mỗi gia đình/cá nhân ở phố nhận nuôi một em trên núi" với mức hỗ trợ 500.000 đồng/em/tháng. Danh sách học sinh tham gia dự án phải có sự giới thiệu bằng văn bản của trường với thông tin cụ thể về hoàn cảnh từng em.
Dự án "Đi học trên núi" hoạt động nhờ sự điều phối của các thành viên CLB Bạn thương nhau với các thầy cô giáo tại các trường. Hằng tháng, các thầy cô nhận tiền từ dự án để mua sắm quần áo, sách vở, vật dụng cần thiết, nhu yếu phẩm trợ lực cho các em và gia đình. Qua hơn 1 năm hoạt động, dự án hiện đang hỗ trợ cho 350 em học sinh mồ côi, đặc biệt khó khăn của 33 điểm trường tại vùng núi Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi với mức 500.000 đồng/em/tháng. Trung bình một tháng khoảng 175 triệu đồng, một năm hơn 2 tỉ đồng…
"Chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ các em học sinh mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn đến khi các em học xong lớp 12. Nếu các em có nguyện vọng học lên cao hơn, dự án sẽ tiếp tục đồng hành để giúp các em hoàn thành ước mơ dang dở. Sắp tới, CLB cũng sẽ cho ra mắt website 'Đi học trên núi" để các mạnh thường quân thuận tiện theo dõi thông tin của các học sinh được mình hỗ trợ hơn", anh Nam khẳng định.
Đặc biệt, đầu tháng 6 vừa qua, anh Nam cùng các cộng sự đã tổ chức một kỳ nghỉ hè đặc biệt để đưa hơn 100 học sinh vượt khó học giỏi của 14 trường tiểu học, THCS tại các huyện miền núi thuộc 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, xuống tham quan phố biển Đà Nẵng. Chương trình "Bạn trẻ vùng cao xuống phố" được tổ chức đúng dịp Đà Nẵng có Lễ hội pháo hoa quốc tế nên ai nấy đều hứng thú. Tại đây, các em nhỏ được ăn kem, uống trà sữa, đi bảo tàng 3D, tham quan nhà sàn Bác Hồ, xem phim, tắm biển,... Tất cả đều là lần đầu tiên các em được trải nghiệm.
Kết thúc chuyến đi, anh Nam cho biết khi chia tay thật sự không dễ dàng, những giọt nước mắt đã rơi bởi không biết đến bao giờ những em này mới được xuống Đà Nẵng thêm lần nữa.
3 ngày 2 đêm quá khác lạ, giây phút chia tay các con lại quay về với núi rừng, nhiều tình nguyện viên nghẹn ngào ôm chặt, chỉ biết nói là "các con đừng bỏ học nghe!".
"Đó cũng là mong mỏi lớn nhất của các nhà hảo tâm và thầy cô. Hi vọng một lần được đặt chân xuống phố, nhìn ngắm cuộc sống rộng lớn, bao la sẽ giúp các em có thêm động lực để xuống phố thêm nhiều lần nữa và bằng cách là theo đuổi con đường học tập. Chỉ có học mới có thể giúp các em có được tương lai tươi sáng hơn", anh Nam xúc động nói.
Ngoài các em nhỏ, cải thiện cuộc sống của những "người lái đò" ở nơi xa xôi, hẻo lánh nhất miền Trung cũng là mục tiêu, động lực để các thành viên trong CLB hướng đến. Bởi, theo anh Nam, những thầy cô ấy không chỉ đánh đổi tuổi thanh xuân mà họ còn cược cả mạng sống của mình vì hành trình gieo chữ nơi núi rừng heo hút.
Anh kể, có cô giáo mới 24 tuổi, đang mang bầu nhưng phải "gieo chữ" ở tút hút trong núi, không điện, không sóng điện thoại. Vào đêm khuya nọ, cô vừa soạn xong bài thì bị động thai. 20 thanh niên trong bản được huy động để khiêng cô giáo đi cấp cứu. Trời tối, đường gập ghềnh đất đá, cô giáo nằm võng, hai người khiêng hai đầu. Cứ 5 phút lại đổi người khiêng, đi từ 23 giờ khuya đến 6 giờ sáng thì đến trung tâm y tế xã. May mắn là cả cô giáo và đứa con trong bụng sau đó đều được an toàn…
Trả ơn đời vì từng được nhiều người "lạ" giúp đỡ
Giữa rất nhiều chương trình thiện nguyện đã và đang diễn ra khắp mọi miền đất nước, sự thành công của CLB Bạn thương nhau trong việc mang yêu thương san sẻ với trẻ em nghèo miền núi có dáng dấp chàng kỹ sư điện Nguyễn Bình Nam và uy tín cá nhân mà anh tạo dựng được trong lòng mọi người, bè bạn.
Hào hứng, sôi nổi khi nói về CLB nhưng anh Nam lại tỏ ra ngại ngùng mỗi khi kể về bản thân. Nói về cơ duyên đến với con đường từ thiện xã hội, anh tâm sự, mẹ mình là giáo viên nhưng cũng "mê" làm từ thiện lắm. Hằng ngày, bà đều đi khắp nơi để vận động, xin sách vở cho học sinh khó khăn ở địa phương. Năm 2002, mẹ anh bị bệnh nặng phải nhập viện và bác sỹ yêu cầu phải có 200 triệu để phẫu thuật.
Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, một người bạn đã âm thầm chụp hình anh Nam đang chăm mẹ trong bệnh viện đăng lên mạng xã hội để kêu gọi sự giúp đỡ. Và thật bất ngờ, chỉ trong thời gian ngắn, các mạnh thường quân đã ủng hộ đủ chi phí cho mẹ anh phẫu thuật, chỉ tiếc rằng bà sau đó vẫn không thể qua khỏi.
"Đến khi mẹ mất, đúng lúc tôi suy sụp hoàn toàn, thì rất nhiều người lạ đã đến an ủi và phụ lo mai táng cho mẹ chu đáo, khiến tôi rất cảm động và biết ơn, từ đó tôi càng quyết tâm làm thật nhiều việc tốt hơn theo tâm nguyện của mẹ và bản thân…", anh Nam trải lòng.
Cứ thế, suốt 10 năm qua, anh Nam luôn lặng lẽ với công việc từ thiện của mình, không khoa trương, chẳng ồn ào nhưng rất thiết thực và hiệu quả. Không chỉ là chỗ dựa tinh thần lẫn vật chất cho thầy trò vùng cao, mà CLB của anh Nam còn thường xuyên tổ chức các chương trình giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, tham gia hiến máu nhân đạo, hỗ trợ bà con vùng lũ lụt, tiếp sức cùng thành phố chống Covid-19,… Anh cũng chính là người khởi xướng chương trình "Chuyến xe đồng bào" tại Đà Nẵng vào năm 2021, đưa gần 700 người từ các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch.
10 năm "ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng", theo anh Nam, điều trân trọng nhất mà mình nhận được chính là niềm tin của mọi người. Minh chứng là mỗi bài kêu gọi trên facebook của anh luôn lan tỏa và nhận được sự ủng hộ của rất nhiều nhà hảo tâm. Có những người anh chưa từng biết mặt nhưng vẫn đều đặn gửi tiền quyên góp để bữa cơm của các em học sinh miền núi có thêm thịt. Có bạn xe ôm hay công nhân vừa lãnh lương cũng trích vài trăm ngàn ủng hộ nhóm xây trường,... Tất cả số tiền quyên góp được, anh đều công khai thu chi minh bạch trên facebook.
Trao đổi với PV, bà Phùng Thị Thương - Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết, lãnh đạo huyện và bà con nhân dân tại Nam Trà My rất cảm kích trước những việc làm hết sức ý nghĩa và rất thiết thực của anh Nguyễn Bình Nam và CLB Bạn thương nhau. Nhờ sự chung tay, góp sức của các bạn mà địa phương dần xóa bỏ những điểm trường tạm và dựng lên nhiều mái trường kiên cố, giúp thầy trò vùng cao có điều kiện để học tập tốt hơn.
"Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.
Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.
Các dự án tham gia giải thưởng sẽ được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí đại diện cho các giá trị và Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize đang thúc đẩy, bao gồm tính cam kết, tính bền vững, tính sáng tạo, tính tác động và tính lan tỏa.
Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org