Công ty cổ phần cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo cho biết phí tuyến đường chạy qua Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận dài 78.5 km sẽ có mức phí thấp nhất 130.000 đồng và cao nhất 497.000 đồng. Mức phí trên tương đương với đề xuất trước đó của nhà đầu tư tới Bộ Giao thông Vận tải, cụ thể:
Xe dưới 12 chỗ, xe tải trọng dưới 2 tấn, xe buýt |
130.000 đồng |
Xe từ 12-30 chỗ, xe tải trọng 2 - 4 tấn |
170.000 đồng |
Xe trên 30 chỗ, xe tải trọng 4 - 10 tấn |
222.000 đồng |
Xe tải trọng 10 - 18 tấn, xe container 20 feet |
353.000 đồng |
Xe tải trọng trên 18 tấn, xe container 40 feet |
497.000 đồng |
Với các xe đi chặng ngắn sẽ có mức thu phí khác nhau, ví dụ ở phân loại xe dưới 12 chỗ, xe buýt, xe dưới 2 tấn nếu đi từ cuối cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đến Trạm thu phí Du Long có mức phí 24.000 đồng, hoặc từ nút giao Du Long đến nút giao Phan Rang (hơn 22 km) có mức phí 37.000 đồng... trung bình mỗi km thì phân loại xe này sẽ tốn khoảng hơn 1.656 ngàn đồng.
Hiện tại, tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã có 4 trạm thu phí tại các vị trí như nút giao Du Long (huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận), hai trạm tại nút giao Phan Rang (Ninh Thuận) và trạm đặt trên tuyến chính tại xã Vĩnh Hảo (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận).
Tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đầu tư theo hình thức PPP - đối tác công tư với tổng vốn 8.925 tỷ đồng, được thông xe đưa vào khai thác từ 26/4, đến ngày 23/5 đã ghi nhận hơn 280.000 lượt xe chạy qua cao tốc.
Hiện tại từ Tp. HCM đến Nha Trang sẽ có 5 đoạn cao tốc gồm Dầu Giây – Tp.HCM, Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Nha Trang - Cam Lâm. Tuy nhiên tuyến Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết chưa thu phí do xây dựng bằng nguồn ngân sách nhà nước, hiện phương án thu phí đang chờ Quốc hội thông qua.
Ba tuyến còn lại có tổng mức phí thấp nhất 290.000 đồng và cao nhất khoảng 1.2 triệu đồng tùy loại xe. Sau khi đi vào khai thác thì đoạn đường từ Tp. HCM - Nha Trang chỉ mất 4-5 giờ, giảm gần gầp đôi so với thời gian trước khi chưa có các đoạn cao tốc này.