Ngoài các trang bị theo xe thì hệ thống giải trí ngày càng được chú trọng khi tích hợp khá nhiều tính năng và thậm chí là cả trợ lý AI. Chính vì thế chi phí để phát triển ngày càng đắt hơn, thậm chí với những hãng xe nổi tiếng thì việc đầu tư phát triển có thể lên hơn tỷ đô la mỗi năm.
Với nhiều hãng xe lớn thì chi phí này không quá đáng kể nhưng với các thương hiệu nhỏ hơn thì đây lại là một vấn đề lớn. Đơn cử như Mazda, họ vừa phát đi một thông cáo với nội dung các dòng xe tương lai sẽ dùng phần cứng và phần mềm, hệ điều hành trong xe đồng phát triển với Toyota.
Mazda cũng cho biết, việc hợp tác với Toyota giúp họ giảm gánh nặng chi phí phát triển lên 80% đồng thời có thể tiết kiệm hàng trăm triệu đô la mỗi năm. Theo đó các hạng mục mà Mazda hợp tác với Toyota gồm hệ thống điều khiển, hệ thống thông tin giải trí, bảng đồng hồ kỹ thuật số, bộ điều khiển điện tử ECU lẫn hệ thống dây điện phục vụ.
Như vậy có thể từ năm 2027, các dòng xe điện Mazda có thể có hệ thống điều khiển trung tâm nội thất tương đồng lên đến 90% so với xe Toyota. Thực tế hai hãng xe Nhật Bản này đã có những lần hợp tác lâu dài trong quá khứ.
Theo đó từ năm 2015, cả hai bên đã cùng nhau phát triển hệ truyền động chung. Hiện tại Mazda đã và đang mượn một số công nghệ từ Toyota như công nghệ điện hóa, hay cụ thể hơn là mẫu Mazda 2 hiện tại đã có không ít thành phấn đến từ Toyota.
Với sự hợp tác trên, các dòng xe điện Mazda sẽ có phần tương tự như trường hợp của Mazda 2. Hãng xe Nhật này cũng kỳ vọng sẽ tung ra từ 7 đến 8 mẫu xe điện trước năm 2030. Nhưng hiện tại mới chỉ có Mazda MX-30 được giới thiệu.