Điều 42 Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ quy định về bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT&BVMT) của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ nêu rõ: Xe mô tô, xe gắn máy phải thực hiện kiểm định khí thải.
Luật cũng quy định việc kiểm định khí thải thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, phải được thực hiện tại các cơ sở kiểm định khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Việc kiểm định khí thải do đăng kiểm viên của các trung tâm đăng kiểm thực hiện. Sau đó, giấy chứng nhận sẽ được cấp cho chủ xe máy khi hoàn tất thủ tục.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ quy định trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại, tạm đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cho cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy. Quy định về trình tự, thủ tục kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở vật chất kỹ thuật và vị trí cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
Trên thực tế, xe máy cũng giống như ô tô, khi sử dụng thì đều phát thải khí thải ra môi trường. Vì vậy, việc kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy là điều cần thiết và giúp giảm 35,55% tổng lượng CO, 40% tổng lượng HC phát thải.
Theo thống kê, hiện nay, số lượng xe máy đăng ký tại Việt Nam là khoảng 69,2 triệu chiếc, có đến 45,5 triệu xe đang được người dân sử dụng mỗi ngày và con số sẽ ngày càng tăng lên.
Việt Nam cũng đang là quốc gia tiêu thụ xe máy lớn thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và là 1 trong 5 thị trường tiêu thụ xe máy lớn nhất thế giới.
TH (Tuoitrethudo)