Đối với va chạm nhỏ, hai bên không có tranh chấp và tự thỏa thuận dân sự, cơ quan công an không nhất thiết phải tạm giữ phương tiện để điều tra. Ảnh minh họa
Anh Nguyễn Hoàng Hải (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) hỏi: “Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện clip CSGT Hòa Bình đuổi theo một xe ô tô trong vụ va chạm giao thông yêu cầu dừng lại giải quyết dù hai xe va chạm đã tự thỏa thuận bồi thường với nhau. Vậy, trong trường hợp, nếu xe tôi va chạm với xe khác trên đường nhưng không gây hậu quả về người, hai xe hư hỏng nhẹ và tự thỏa thuận bồi thường với nhau thì CSGT có được giữ xe hay không?”.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Lê Thu Hằng, Công ty luật TAT Law Firm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, phương tiện giao thông là phương tiện đi lại quan trọng, thậm chí, là công cụ kiếm kế sinh nhai của nhiều người dân. Khi xảy ra tai nạn, cảnh sát giao thông phải tạm giữ phương tiện phục vụ quá trình điều tra xác minh nguyên nhân vụ tai nạn.
Tuy nhiên, đối với những va chạm giao thông nhỏ giữa các phương tiện mà hai bên không có tranh chấp, khiếu kiện hoặc yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc và tự thỏa thuận dân sự thì cơ quan công an không nhất thiết phải tạm giữ phương tiện để điều tra xác minh nguyên nhân vụ việc.
“Bởi vì, trong quan hệ dân sự, việc hòa giải giữa các bên phù hợp với qui định của pháp luật được khuyến khích theo đúng 1 trong 3 nguyên tắc cơ bản là “sự tự do, tự nguyện cam kết và thỏa thuận” đã được qui định của Bộ luật dân sự 2015.
Hòa giải vừa là nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự, vừa là thủ tục tố tụng mà Tòa án, các đương sự có trách nhiệm tiến hành khi giải quyết vụ việc dân sự.
Do đó, chỉ trong trường hợp TNGT dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như thương tích nặng, chết người hoặc hành vi vi phạm có dấu hiệu phải truy cứu trách nhiệm hình sự, công an mới phải tạm giữ phương tiện để điều tra cho dù các bên đã thỏa thuận, hòa giải xong”, luật sư Hằng nhấn mạnh.
Theo luật sư Hằng, trong trường hợp nếu các bên đã thương lượng xong nhưng sau đó, một trong các bên có ý kiến thì cơ quan công an phải vào cuộc để xác minh. Việc tạm giữ phương tiện cũng phải theo đúng trình tự và thời hạn pháp luật.
Nếu không được giải quyết đúng thời hạn, người vi phạm có quyền khởi kiện hành chính về hành vi hành chính của cơ quan công an tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của Luật tố tụng hành chính 2015.
Ngoài ra, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008, cơ quan công an chỉ có thể giữ phương tiện gây tai nạn trong vòng 7 ngày; trường hợp phức tạp có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 30 ngày.
Khoản 8 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cũng quy định: “Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 7 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề”.
Trường hợp thời hạn giữ xe đã quá thời hạn quy định và người vi phạm đã thực hiện nghĩa vụ nộp phạt hành chính theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà cơ quan công an vẫn chưa trả lại xe, người vi phạm có thể làm đơn gửi khiếu nại lên cơ quan công an đang giải quyết hồ sơ vụ việc để yêu cầu xem xét, giải quyết việc trả lại xe cho mình theo luật định.
Nguồn: https://xe.baogiaothong.vn/tu-thoa-thuan-sau-va-cham-giao-thong-csgt-co-duoc-giu-xe-d468230.htmlNguồn: https://xe.baogiaothong.vn/tu-thoa-thuan-sau-va-cham-giao-thong-csgt-co-duoc-giu-xe-d468230.html