Những trường hợp không được cấp lại, cấp đổi và bị thu hồi giấy phép lái xe theo Thông tư mới

Thông tư 12/2025/TT-BCA do Bộ Công an vừa ban hành đã nêu rõ các trường hợp không cấp lại, không đổi và thu hồi giấy phép lái xe
Những trường hợp không được cấp lại, cấp đổi và bị thu hồi giấy phép lái xe theo Thông tư mới

Thông tư này nhằm tăng cường công tác quản lý, đảm bảo trật tự và an toàn giao thông, đồng thời ngăn chặn các hành vi vi phạm liên quan đến việc sử dụng và cấp GPLX.

Về cấp lại giấy phép lái xe, Thông tư 12/2025/TT-BCA quy định, người có giấy phép lái xe còn thời hạn sử dụng mà bị mất, được đề nghị cấp lại giấy phép lái xe.

Không cấp lại giấy phép lái xe đối với các trường hợp: Không tin giấy phép lái xe không có trong hệ thống thông tin giấy phép lái xe tại Cục Cảnh sát giao thông hoặc không có trong bảng kê danh sách cấp giấy phép lái xe (sổ quản lý); người vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Về đổi giấy phép lái xe, Thông tư 12/2025 nêu rõ yêu cầu đối với việc đổi giấy phép lái xe, đó là: Người Việt Nam, người nước ngoài được sát hạch, cấp giấy phép lái xe tại Việt Nam; Người có giấy phép lái xe bị hỏng không còn sử dụng được;

Người Việt Nam, người nước ngoài có thẻ thường trú ở Việt Nam đã có giấy phép lái xe Việt Nam đổi từ giấy phép lái xe nước ngoài, khi hết hạn nếu có nhu cầu được đổi giấy phép lái xe;

Trường hợp ngày, tháng, năm sinh, họ, tên, tên đệm…ghi trên giấy phép lái xe có sai lệch với căn cước công dân hoặc căn cước thì cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục đổi giấy phép lái xe mới; Người có nhu cầu tích hợp giấy phép lái xe không thời hạn với giấy phép lái xe có thời hạn.

Không đổi giấy phép lái xe với các trường hợp: Người đề nghị đổi giấy phép lái xe không còn giấy phép lái xe đã được cấp và thông tin giấy phép lái xe không có trong hệ thống hoặc không có bảng kê danh sách cấp giấy phép lái xe; người vi phạm giao thông chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm.

Ngoài ra, Thông tư 12/2025 còn quy định cụ thể về thu hồi Giấp phép lái xe. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lái xe thực hiện thu hồi theo trình tự sau:

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện người có giấy phép lái xe thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 62 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông ra quyết định thu hồi để hủy bỏ giấy phép lái xe và hủy bỏ việc tích hợp giấy phép lái xe điện tử trên hệ thống dữ liệu điện tử, tài khoản định danh điện tử;

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi giấy phép lái xe, cá nhân phải nộp giấy phép lái xe bị thu hồi đến Phòng Cảnh sát giao thông. Đơn vị này có trách nhiệm tiếp nhận giấy phép lái xe bị thu hồi và hủy bỏ.

Giấy phép lái xe bị thu hồi theo quy định tại điểm a, b khoản 5 Điều 62 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; hồ sơ, trình tự thực hiện cấp lại giấy phép lái xe thực hiện theo khoản 2, 3, 4 Điều 21 Thông tư này;

Giấy phép lái xe bị thu hồi theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 62 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ không có giá trị sử dụng, cơ quan quản lý giấy phép lái xe cập nhật dữ liệu về hành vi vi phạm trên hệ thống thông tin giấy phép lái xe tại Cục Cảnh sát giao thông kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.

Ngoài ra, người có hành vi vi phạm không được cấp giấy phép lái xe trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.

Việc siết chặt các quy định về cấp lại, đổi và thu hồi GPLX trong Thông tư 12/2025/TT-BCA là cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông và nâng cao ý thức chấp hành luật của người điều khiển phương tiện.

Để tránh rắc rối pháp lý, người dân cần nắm rõ các quy định mới, thực hiện đúng thủ tục khi có nhu cầu cấp lại hoặc đổi GPLX. Đồng thời, tuân thủ nghiêm các quy định giao thông là cách tốt nhất để bảo vệ quyền lợi cá nhân, tránh bị thu hồi hoặc từ chối cấp lại GPLX do vi phạm.

(Theo:ANTĐ)