Một số lưu ý khi lái xe ô tô vào mùa đông để đảm bảo an toàn

Thời tiết lạnh giá thường tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì vậy, cần chú ý một số vấn đề dưới đây để nâng cao sự an toàn khi lái xe vào mùa đông
Một số lưu ý khi lái xe ô tô vào mùa đông để đảm bảo an toàn

Mùa đông đến, thời tiết trở nên lạnh giá, khiến cho việc lái xe ô tô trở nên khó khăn hơn. Nhiệt độ thấp có thể ảnh hưởng đến hiệu suất của xe, cũng như khả năng phản xạ của người lái. Do đó, cần lưu ý một số điều khi lái xe ô tô vào mùa đông để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.

Trang bị các thiết bị phù hợp: Dưới mui xe bạn phải đảm bảo nước lau kính, chất làm mát động cơ có thể hoạt động tốt trong điều kiện nhiệt độ lạnh. Một lưu ý nữa là pin xe phải luôn trong tình trạng tốt bởi nó sẽ phải làm việc vất vả hơn để khởi động xe trong mùa đông.

Nếu di chuyển xe trên đường dài bạn cần phải để ý tới các thiết bị nhỏ như đèn pin, pháo sáng, sạc điện thoại, xẻng và các dụng cụ cần thiết khác dùng cho tình huống khẩn cấp. Đồng thời cũng không quên mang theo thuốc, nước uống và thực phẩm dư thừa một chút.

Luôn quan sát, kiểm tra xe trước khi di chuyển: Trước khi khởi động xe, việc kiểm tra các bộ phận như lốp xe, dầu máy, nước làm mát, và hệ thống đèn chiếu sáng là quan trọng. Đặc biệt cần chú ý đến hệ thống đèn trong mùa đông để đảm bảo an toàn khi lái xe trong điều kiện ánh sáng yếu và thời tiết khó khăn.

Tránh việc khởi động rồi đi ngay: Tránh việc khởi động xe và lập tức di chuyển, đặc biệt là sau một đêm lạnh. Dầu máy và dầu nhờn cần thêm thời gian để lên nhiệt độ và bôi trơn đầy đủ các bộ phận của động cơ. Việc này giúp bảo vệ động cơ khỏi hao mòn và tổn thương.

Không bơm lốp quá căng: Trong mùa đông, việc bơm lốp quá cứng có thể gây hại cho xe hơn là giúp. Áp suất lốp cần được duy trì ở mức phù hợp theo khuyến nghị của nhà sản xuất, để giảm nguy cơ hỏng hóc và tăng cảm giác lái xe ổn định.

Không nên hé cửa kính khi đi đường: Sử dụng điều hòa không khí thay vì hé cửa kính để lấy gió từ bên ngoài. Việc hé cửa kính không chỉ làm tăng lực cản của xe mà còn khiến bụi bẩn và tác nhân gây hại dễ xâm nhập vào khoang nội thất.

Biết rõ về xe của mình: Biết rõ về những khả năng của xe mà bạn lái sẽ giúp bạn nắm được thế chủ động hơn. Nhưng cũng không nên quá tự tin về xe của mình khi lái trong điều kiện khí hậu và thời tiết khắc nghiệt. Kể cả xe của bạn thuộc loại chạy đa địa hình có hệ dẫn động toàn bánh và mang những công nghệ hỗ trợ lái tối tân nhất cũng không có nghĩa là nó có thể kiểm soát một cách hoàn hảo.

Duy trì tốc độ chậm: Mưa, sương mù, sẽ làm giảm độ bám của lốp xe, chưa kể là cản trở tầm nhìn. Vì thế lái xe ở tốc độ thấp sẽ là một lựa chọn khôn ngoan để cho việc kiểm soát xe được tốt hơn.

Xử lý trượt xe: Hầu hết các chuyên gia khuyên rằng, khi xe bị trượt trên đường đi thẳng thì đừng cố phanh ngay mà đợi xe chậm lại mới nhấn phanh. Đồng thời để kiểm soát tốt tình huống này bạn cần phải có sự tập luyện trước. Phải tìm được một môi trường thực hành mô phỏng các điều kiện thời tiết khắc nghiệt như mùa đông lạnh để rèn luyện trước.

Với điều kiện trời mưa, lạnh nên để đèn pha ở chế độ chiếu gần (cos) cùng với đèn sương mù. Ngoài ra, để cẩn thận hơn, có thể dán thêm những miếng đề can phản quang ở trước, sau và hai bên thân xe.

Ứng phó khi xe bị kẹt: Bạn có thể thoát khỏi tình huống này mà không phải rời của xe bằng cách thử lùi lại và tiến lên từ từ. Các chuyển động lắc lưa của xe có thể đủ để xe vượt ra khỏi đoạn đường bị kẹt. Lưu ý đừng quay bánh xe vì làm như vậy sẽ làm cho xe bị thụt sâu hơn. Nếu động tác này không cứu được xe của bạn thì có thể dùng xẻng để dọn đường hoặc dùng cát để giúp lốp xe tiến thẳng.

Khi sử dụng hết các mẹo mà xe vẫn bị kẹt thì bạn nên tính đến việc gọi ngay cho cứu hộ.

Không đi khi không cần thiết: Điều lưu ý cuối cùng là bạn không nên đi ra ngoài đường vào thời tiết bất lợi nếu như bạn không có việc bắt buộc phải đi.