Các phương tiện ô tô khi tham gia giao thông phải đóng phí bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, khi đã hết hạn PSDĐB nhưng chưa hết hạn kiểm định, chủ xe có thể mang giấy tờ xe (cà vẹt xe) đến bất kỳ một trung tâm đăng kiểm gần nhất để đăng ký PSDĐB. Theo đó, chủ xe không cần thiết phải mang xe đến trực tiếp tại nơi mua phí bảo trì đường bộ.
Ngoài ra, khi lưu thông trên đường nếu vi phạm các hành vi vi phạm khác sẽ bị CSGT dừng xe kiểm tra, trong trường hợp hết hạn phí bảo trì đường bộ sẽ không xử lý hành vi chưa nộp phí bảo trì đường bộ.
Tuy không bị xử phạt nhưng khi đi đăng kiểm, đơn vị đăng kiểm sẽ truy thu số phí bảo trì đường bộ mà chủ phương tiện chưa nộp trước đó. Cụ thể Điểm a Khoản 1 Điều 6 Thông tư 70/2021 quy định:
Trường hợp chủ phương tiện chưa nộp phí sử dụng đường bộ của các chu kỳ đăng kiểm trước theo thời hạn quy định thì ngoài số phí phải nộp cho chu kỳ tiếp theo, chủ phương tiện còn phải nộp số phí chưa nộp của chu kỳ trước.
Trường hợp chu kỳ đăng kiểm có thời gian trước 1/1/2013 thì thời điểm xác định phí tính từ ngày 1/1/2013. Đơn vị đăng kiểm sẽ truy thu số phí phải nộp của chu kỳ trước, số phí phải nộp bằng mức thu phí của 1 tháng nhân với thời gian nộp chậm.
Như vậy, chủ phương tiện nên chủ động nộp phí bảo trì đường bộ đúng hạn theo quy định.
Mức thu phí sử dụng đường bộ từ 1/10/2021
Mới đây, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 70/2021 có hiệu lực từ ngày 1/10/2021 thay thế Thông tư 293/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng PSDĐB. Theo quy định này, đối tượng chịu PSDĐB là các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã đăng ký, kiểm định để lưu hành (có giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe, giấy chứng nhận kiểm định), bao gồm ô tô, xe đầu kéo và các loại xe tương tự.
Mức thu phí đường bộ áp dụng từ ngày 1/10 như sau: Xe chở người dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân, hộ kinh doanh đóng 130.000 đồng/tháng, 1,56 triệu đồng/năm; xe chở người dưới 10 chỗ (trừ xe quy định nêu trên); xe tải, ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ dưới 4.000 kg; các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng (bao gồm cả xe đưa đón học sinh, sinh viên, công nhân được hưởng chính sách trợ giá như xe buýt); xe chở hàng và xe chở người bốn bánh có gắn động cơ đóng 180 nghìn đồng/tháng, 2,16 triệu đồng/năm.
Xe chở người từ 10 chỗ đến dưới 25 chỗ; xe tải, ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 4.000 kg đến dưới 8.500 kg đóng 270.000 nghìn đồng/tháng, 3,24 triệu đồng/năm; xe chở người từ 25 chỗ đến dưới 40 chỗ; xe tải, ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 8.500 kg đến dưới 13.000 kg đóng 390.000 đồng/tháng, 4,68 triệu đồng/năm.
Xe chở người từ 40 chỗ trở lên; xe tải, ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 13.000 kg đến dưới 19.000 kg; xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo đến dưới 19.000 kg đóng 590.000 đồng/tháng, 7,08 triệu đồng/năm.
xe tải, ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 19.000 kg đến dưới 27.000 kg; xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 19.000 kg đến dưới 27.000 kg đóng 720.000 đồng/tháng, 8,64 triệu đồng/năm.
Xe tải, ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 27.000 kg trở lên; xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 27.000 kg đến dưới 40.000 kg đóng 1,04 triệu đồng/tháng, 12,48 triệu đồng/năm; xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 40.000 kg trở lên đóng 1,43 triệu đồng/tháng, 17,16 triệu đồng/năm.