Bạn có biết lỗi vượt đèn đỏ khi rẽ phải có thể bị phạt đến 2 triệu đồng!

Khi gặp tín hiệu đèn giao thông màu đỏ nhưng bạn đang muốn rẽ phải thì quyết định của bạn như thế nào? Đi tiếp hay chờ đèn xanh? Nếu đi tiếp thì rất có khả năng bạn sẽ rơi vào lỗi vượt đèn đỏ và bạn sẽ bị CGST tuýt còi ngay! Cùng tham khảo những quy định sau đây.

Hiện nay có rất nhiều người vẫn thản nhiên rẽ phải trong khi đèn tin hiệu giao thông vẫn đang ở đèn đỏ, và một điều khá ngạc nhiên, đó là rất ít người biết được khi đèn đỏ thì bắt buộc mọi phương tiện giao thông đều phải dừng lại (kể cả rẻ phải) trừ một số trường hợp ngoại lệ. Dưới đây là những quy định về vấn đề này mà cánh tài xế cần nắm kĩ để tránh bị phạt oan.

Bạn có biết lỗi vượt đèn đỏ khi rẽ phải có thể bị phạt đến 2 triệu đồng! - 1

Theo quy định tại Luật giao thông đường bộ 2008 23/2008/QH12 thì hệ thống báo hiệu đường bộ gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn. Trong đó, tín hiệu đèn giao thông có ba màu, quy định như sau:

– Tín hiệu xanh là được đi;

– Tín hiệu đỏ là cấm đi;

– Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì về nguyên tắc khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu đỏ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải dừng lại.

Một số trường hợp được tiếp tục đi khi đèn đỏ

Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông được phép lưu thông khi tín hiệu đèn chuyển sang màu đỏ trong một số trường hợp như:

– Dựa vào hiệu lệnh của người điều khiển phương tiện.

Điều này có nghĩa là khi đèn đỏ bạn được phép rẽ phải khi có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông mà không phải tuân thủ đèn tín hiệu giao thông. Lúc này, tất cả phương tiện chạy theo hướng người điều khiển giao thông chỉ định.

– Dựa vào đèn tín hiệu giao thông.

Đèn tín hiệu giao thông này là đèn phụ có hình mũi tên xanh (đỏ). Trong trường hợp đèn tín hiệu giao thông mũi tên chuyển xanh thì người điều khiển xe hai bánh sẽ được phép rẽ theo hướng mũi tên nhưng phải nhường đường cho các phương tiện lưu thông từ các hướng khác được phép đi. Ngược lại, khi đèn tín hiệu giao thông mũi tên chuyển đỏ thì người điều khiển phải cho xe dừng lại, không được đi theo hướng mũi tên. Lúc này, các phương tiện cần chú ý đứng đúng làn đường chờ rẽ cho hướng đi bị cấm.

– Dựa vào biển báo giao thông.

Các phương tiện xe máy sẽ được phép rẽ phải khi đèn đỏ nếu thấy biển báo giao thông cho phép rẽ phải. Lúc này các phương tiện phải bật đèn tín hiệu xin đường (xi-nhan) và phải nhường đường cho người đi bộ.

Ngược lại, các phương tiện xe máy sẽ không được phép rẻ phải khi không có biển báo giao thông cho phép rẽ phải, nếu rẽ phải trong trường hợp này các phương tiện rẽ phải coi như đã không tuân theo đèn tín hiệu (vượt đèn đỏ).

– Dựa vào vạch kẻ đường.

Thường thì khi gặp biển báo giao thông cho phép rẽ phải hay đèn tín hiệu cho phép rẽ thì chúng ta sẽ còn bắt gặp vạch mắt võng. Nhưng đối với trường hợp không có biển cũng như đèn giao thông thì chúng ta sẽ tuân thủ theo vạch kẻ đường là vạch mắt võng. Khi đi trên vạch mắt võng này bắt buộc phải rẽ, không được dừng đỗ hay đi thẳng.

Như vậy, nếu không có các tín hiệu cho phép phương tiện được rẽ phải khi đèn đỏ như tín hiệu đèn xanh báo hiệu cho phương tiện được phép rẽ phải, biển báo cho phép phương tiện được phép rẽ phải, có tiểu đảo phân luồng cho phép phương tiện được rẽ phải, hoặc có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông cho phép phương tiện được rẽ phải, mà các phương tiện vẫn cố tình rẽ phải thì đều bị coi là hành vi vượt đèn đỏ – hành vi vi phạm luật giao thông.

Bạn có biết lỗi vượt đèn đỏ khi rẽ phải có thể bị phạt đến 2 triệu đồng! - 2

Vậy, khi vượt đèn đỏ tài xế sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?

Trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không tuân thủ quy định của pháp luật khi đèn đỏ là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP, cụ thể như sau:

– Phạt tiền từ 300.000 đến 400.000 đồng đối với người điều khiển mô tô, xe máy không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông.

– Phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông.

Ngoài ra, người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị tước giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng.

Như vậy, bất kể là rẽ phải thì bạn cũng phải dừng lại, trừ những nơi có đèn tín hiệu cho phép rẽ. Hãy nắm rõ quy định trên để tránh bị phạt oan. Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho quý độc giả.