Nếu kế hoạch tại nhiều nước châu Âu và Bắc Mỹ không có gì thay đổi, xe xăng mới sẽ "tuyệt chủng" từ giai đoạn 2035 trở đi và thậm chí từ 2030 đã bị hạn chế rất nhiều. Công cuộc chuyển đổi này thực tế không hề đơn giản và yêu cầu sự "thay máu" cực lớn cả về công nghệ sản xuất, khai thác, cơ sở hạ tầng tới cả con người.
Theo đài CNBC trích dẫn nghiên cứu từ Học viện Công nghiệp ô tô của Anh Quốc (IMI), phần đông thợ kỹ thuật tại Anh không sở hữu kỹ năng sửa chữa xe điện. Công cuộc đào tạo và nâng cao số lượng lực lượng lao động này, theo họ đánh giá, không có khả năng thực hiện trong một sớm một chiều.
Yếu tố trên có thể làm thiếu hụt trầm trọng thợ máy và kỹ thuật viên xe điện khiến công đoạn sửa chữa xe điện của người dùng, nhất là nếu họ thường xuyên trông cậy vào các bên thứ 3, trở nên khó khăn.
Theo ước tính của IMI, chỉ khoảng 16% kỹ thuật viên mảng ô tô tại Anh có đủ bằng cấp và kỹ năng để làm việc với xe điện an toàn. Tỉ lệ trên là cực thấp và tổ chức này dự đoán nước này sẽ rơi vào tình cảnh thiếu hụt thợ xe điện cho tới ít nhất là 2029.
Yếu tố trên sẽ trực tiếp dẫn tới chi phí sử dụng (cụ thể hơn là mảng bảo trì) xe điện gia tăng vì cung - cầu cách nhau quá xa. Ngoài ra, nhiều người dùng cũng có thể phải kéo xe/di chuyển xa để tìm được một trạm sửa chữa có đủ kỹ năng và công cụ để phục vụ xe điện.
Cần nhớ rằng Anh Quốc là một thị trường xe đã phát triển và từ lâu đã thuộc nhóm dẫn đầu doanh số tại châu Âu, vậy nên tỉ lệ trên (16%) có thể thấp hơn nhiều ở các quốc gia khác.
Theo IMI khuyến cáo, chính phủ các nước nên hỗ trợ chi phí để đào tạo lực lượng lao động lành nghề mới (hoặc tái đào tạo kỹ thuật viên mảng xe xăng hiện tại) để phục vụ xe điện trước khi áp đặt lệnh cấm hoàn toàn xe chạy động cơ.