Xót xa cảnh hàng chục ngàn ô tô, xe máy hóa sắt vụn

Hàng chục ngàn phương tiện bị tạm giữ đã hư hỏng nặng do thời gian dài ‘dầm mưa dãi nắng’ gây ra sự lãng phí lớn.

Góc sân trụ sở Công an quận Ngô Quyền (Hải Phòng) luôn có hàng trăm chiếc xe máy bị tạm giữ, tịch thu vì vi phạm giao thông. Có những chiếc xe mới bị tạm giữ, nhưng cũng có những xe nằm đây đã vài năm, hoen gỉ, không khác gì đống sắt vụn.

Tương tự, tại Công an TP Hải Dương, lượng xe máy bị tạm giữ, tịch thu lên tới vài trăm chiếc, hiện đơn vị phải thuê một khu kho bãi có lán 2 tầng của một doanh nghiệp làm nơi chứa phương tiện vi phạm. Đại diện lãnh đạo Đội CSGT TP Hải Dương cho biết: “Có những chiếc xe bị tạm giữ, tịch thu đã vài năm, hư hỏng nặng như sắt vụn, chủ nhân chắc chắn không nhận lại bởi nếu nhận phải tiền trả phí lưu kho còn nhiều hơn giá trị xe. Ngay cả đấu giá chiếc xe này, cũng chưa chắc đủ tiền thuê vận chuyển từ kho ra ngoài”.

sot xa canh hang chuc ngan o to xe may bi tich thu hoa thanh sat vun
Bãi giữ xe vi phạm của Đội CSGT số 4 và Công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Văn Huế

Trung tá Đào Công Hiểu, Đội trưởng Đội Xử lý vi phạm, tuyên truyền (Phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Ninh) cho biết, hiện Công an tỉnh đang phải hợp đồng thuê kho bãi của một số doanh nghiệp, công ty để chứa xe vi phạm giao thông, phí trông giữ xe này sẽ do chủ xe chi trả khi làm thủ tục lấy xe. Nhưng thời gian qua, nhiều chủ xe không chấp hành quyết định xử phạt, bỏ xe lại; hoặc không chứng minh được chủ sở hữu xe, dẫn đến tình trạng xe “chết” trong bãi. Lúc này cơ quan chức năng sẽ làm thủ tục tịch thu, thanh lý, tiêu hủy và quy trình này tốn khá nhiều thời gian.

“Đơn vị sẽ thông báo 2 lần trên các phương tiện thông tin đại chúng, mỗi lần cách nhau 3 ngày và có niêm yết ở cơ quan; đồng thời thông báo đến công an các địa phương trong 30 ngày để tìm chủ sở hữu xe. Trường hợp xe không có ai đến nhận thì cơ quan chức năng sẽ làm thủ tục giám định, xác định xe có phải là tang vật vụ án, trộm cắp hay không. Sau đó, là tiến hành thanh lý thông qua đấu thầu”, Trung tá Hiểu cho hay.

Tại TP HCM, nhiều bãi giữ xe máy vi phạm giao thông đang quá tải nghiêm trọng, khá nhiều xe đã có dấu hiệu rỉ sét, hư hỏng. Lãnh đạo một Đội CSGT ở ngoại thành TP HCM cho biết, để hoàn tất quá trình thanh lý khoảng 100 chiếc xe, thường mất cả năm trời làm thủ tục.

sot xa canh hang chuc ngan o to xe may bi tich thu hoa thanh sat vun
 

Tình trạng xe bị tạm giữ, tịch thu chất đống tại những kho bãi khiến một thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã phải thốt lên: “Tôi có cảm giác lực lượng công an đang phải xử lý môi trường thay cho những nhà sản xuất xe. Các doanh nghiệp sản xuất xe bán ra thị trường, người dân điều khiển xe tới khi hết date, bị công an tạm giữ thì bỏ lại. Tại một số bãi giữ xe của lực lượng công an, xe hỏng hóc xếp đống trên các bãi lâu đến mức cỏ mọc lút đến ngang xe vừa mất vệ sinh môi trường, vừa gây lãng phí lớn”.

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Từ năm 2013 đến tháng 9/2019, công an các đơn vị, địa phương đã tạm giữ gần 4,3 triệu phương tiện giao thông đường bộ, trong đó có 248.938 ô tô (chiếm 5,8%) và gần 4 triệu mô tô. Đến tháng 9/2019, tại các đơn vị địa phương còn tồn đọng 136.989 xe vi phạm hành chính quá thời hạn bị tạm giữ chưa xử lý được, gồm 722 ô tô, 134.073 mô tô và 2.144 phương tiện khác.

“Việc tạm giữ quá lâu dẫn đến tình trạng nhiều phương tiện bị hỏng hóc, cũ nát, không sử dụng được”, tướng Ngọc nói và cho biết thêm, trong tổng số 136.989 phương tiện tồn đọng có 99.983 phương tiện còn sử dụng được, 37.006 phương tiện chỉ có thể bán sắt vụn.

Đặt tiền bảo lãnh để giữ lại xe vi phạm

Tại phiên giải trình của Uỷ ban Pháp luật về tạm giữ, tịch thu phương tiện vi phạm giao thông vừa được tổ chức mới đây, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng hình thức đặt tiền bảo lãnh để được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền. Quy định này nhằm hạn chế việc đưa các phương tiện về nơi tạm giữ.

Theo Thiếu tướng Ngọc, quy định về đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông đường bộ theo thủ tục hành chính đã thực hiện từ lâu nhưng hiệu quả rất hạn chế. Từ năm 2013 đến nay, cả nước chỉ có 392 trường hợp bảo lãnh xe bị tạm giữ theo thủ tục hành chính.

Nguyên nhân của thực trạng này là theo quy định thì mức nộp tiền bảo lãnh ít nhất bằng mức tiền phạt đóng tối đa của khung hình phạt dành cho hành vi vi phạm. Do đó, các chủ phương tiện có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, giá trị phương tiện thấp thì sẽ không có nhu cầu bảo lãnh phương tiện. Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục bảo lãnh còn chưa cụ thể, rõ ràng, chưa thuận tiện cho người vi phạm.

Về đề xuất này, một lãnh đạo Phòng CSGT Quảng Bình cho biết, đây là giải pháp “hay nhưng khó”. Hiện nay, Luật xử lý vi phạm hành chính với các thông tư đều cho phép người vi phạm khi bị tạm giữ xe có quyền cược tiền để đảm bảo việc xử phạt.

Tuy nhiên, muốn được cược tiền thì người vi phạm phải quay về làm đơn trình bày, có xác nhận của chính quyền địa phương, cơ quan đơn vị đang công tác. Sau 2 ngày mới đem tiền đến cược, số tiền này phải cao hơn hoặc tối thiểu bằng số tiền bị phạt, sau đó sẽ được mang phương tiện về nhà.

sot xa canh hang chuc ngan o to xe may bi tich thu hoa thanh sat vun
 

Thế nhưng trong thực tế, không phải ai cũng có tiền để cược; người đi xe thuê, xe mượn vi phạm rồi lại cho họ cược tiền lấy xe đi tiếp thì có chủ xe nào đồng ý? Thêm đó, với những lỗi như phương tiện hết hạn kiểm định, lái xe không có bằng, lái xe vi phạm nồng độ cồn, say rượu... mà chỉ cần cược tiền là cho đi thì sẽ gây nguy hiểm cho xã hội.

Ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: Kiểm tra thực tế, nhận thấy quy định về đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông đường bộ theo thủ tục hành chính đã thực hiện từ lâu nhưng hiệu quả rất hạn chế. “Bản thân anh em CSGT cũng phản ánh là họ rất ngại khi tuyên truyền, nói với người vi phạm về quy định này bởi sợ bị người dân hiểu lầm là “anh đưa tiền cho tôi để tôi thả phương tiện vi phạm của anh về”.

Do đó, hiện người dân hầu như không biết về quy định này. Bộ Công an đề xuất mở rộng phạm vi quy định người vi phạm được phép đặt tiền bảo lãnh xe vi phạm nhằm hạn chế việc tạm giữ, tịch thu phương tiện. Mục tiêu là những phương tiện lớn, cồng kềnh như: Ô tô, xe tải, xe container nếu bị tạm giữ, tịch thu thì rất khó khăn trong quản lý, kho bãi không đủ chỗ. Việc dùng tiền bảo lãnh là nội dung khá nhạy cảm, chính vì vậy muốn quy định này sớm đi vào thực tế thì ngay bản thân lực lượng công an phải đẩy mạnh tuyên truyền bằng các hình thức sáng tạo”, ông Xuyền nói.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho biết, đang tổng hợp, nghiên cứu để báo cáo Quốc hội về đề xuất này của Bộ Công an. Mục tiêu là quy định nộp tiền bảo lãnh phương tiện vi phạm vừa phải đảm bảo tính răn đe hành vi vi phạm, chặt chẽ không có kẽ hở pháp luật đồng thời lại phải thuận lợi cho người dân và lực lượng thực thi pháp luật tại hiện trường.

Rút gọn quy trình đấu giá xe

sot xa canh hang chuc ngan o to xe may bi tich thu hoa thanh sat vun
Đấu giá xe vi phạm

Bên cạnh đề xuất mở rộng quy định dùng tiền bảo lãnh phương tiện bị tạm giữ, Bộ Công an cũng đề nghị sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng rút gọn quy trình đấu giá xe vi phạm giao thông bị tạm giữ, tịch thu.

Theo đó, Bộ Công an đề xuất đối với phương tiện quá thời hạn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 ngày, nếu người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt thì cơ quan có thẩm quyền thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Quá thời hạn 30 ngày mà chủ phương tiện không đến nhận, không có lý do chính đáng thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu, bán đấu giá phương tiện vi phạm hành chính.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, việc rút gọn các thủ tục xử lý tài sản, tránh để tồn đọng lâu ngày, bỏ quy định về phí lưu kho, phí bến bãi sẽ thuận lợi cho cả lực lượng chức năng và người dân.

(Theo atgt.vn)