![]() |
Ngày 25/6, buổi tọa đàm "Hiểm họa từ mũ bảo hiểm và phụ tùng xe máy giả" do Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) phối hợp cùng đài VTV9 tổ chức. Tình trạng hàng giả trong lĩnh vực xe máy không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn trực tiếp đe dọa tính mạng người dân.
Theo khảo sát từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy, trong số 540 mũ bảo hiểm thì có tới 25,9% số mũ bảo hiểm hiện đang lưu hành là mũ lưỡi trai giả mạo, không có lớp xốp hoặc phần xốp rất mỏng không có khả năng bảo vệ người dùng khi xảy ra tai nạn.
Loại mũ này phần lớn đều có kiểu dáng giống như mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, không qua kiểm định chất lượng nhưng lại sử dụng tem, nhãn giả, có nhiều trường hợp còn giả mạo nhãn hiệu của những nhà sản xuất, phân phối mũ bảo hiểm đạt chuẩn, hoặc không có nhãn hãng hóa theo quy định pháp luật. Hàng hóa vi phạm này được bày bán tràn lan ở vỉa hè, cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ hoặc qua mạng xã hội với giá chỉ từ vài chục nghìn đồng.
![]() |
Điều đáng lo ngại là nhiều người dù biết rõ đây là sản phẩm không đảm bảo nhưng vẫn lựa chọn, xem đó như một "giải pháp tình thế" để đối phó với lực lượng chức năng và tránh bị xử phạt hành chính khi tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, người kinh doanh hoặc sử dụng mũ bảo hiểm giả còn gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi tiến hành kiểm tra xử lý sai phạm với những lập luận như: không biết là mũ bảo hiểm giả, đây là mũ bảo vệ …
Bên cạnh mũ bảo hiểm, thì phụ tùng xe máy giả cũng ngày càng phổ biến. Nếu người tiêu dùng sửa chữa, thay thế phải phụ tùng giả, đặc biệt là phụ tùng mang tính năng an toàn như má phanh, lốp, nhông xích, và dây đai, … không những ảnh hưởng đến tuổi thọ của xe mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến an toán sức khỏe, tính mạng khi vận hành xe không đủ điều kiện an toàn.
Bao bì in ấn tinh vi, tem chống giả giả mạo và việc trộn lẫn hàng thật - giả khiến người tiêu dùng khó phân biệt. Những phụ tùng này khi lắp đặt vào xe không chỉ rút ngắn tuổi thọ của phương tiện mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, nổ lốp hay tai nạn nghiêm trọng.
![]() |
Đây là hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm luật quảng cáo, cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và các hãng sản xuất chân chính, không khuyến khích hoạt động đầu tư nghiên cứu phát triển gây ảnh hưởng tiêu cực cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Tọa đàm “Hiểm họa từ mũ bảo hiểm và phụ tùng xe máy giả” vì vậy không chỉ là một cuộc thảo luận chuyên đề, mà là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với chính thói quen chủ quan, dễ dãi trong lựa chọn sản phẩm và tâm lý xem nhẹ nguồn gốc hàng hóa của một bộ phận người tiêu dùng hiện nay.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Chi cục trưởng chi cục Quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh: “Công tác chống hàng giả cần được triển khai thường xuyên, liên tục. Các đối tượng sản xuất và kinh doanh hàng giả ngày càng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, liên tục tìm cách né tránh, đối phó với cơ quan chức năng.” Ông cũng chỉ ra thực tế: “Ngay cả khâu sản xuất họ cũng chọn địa bàn xa trung tâm, thuê nhà xưởng ở vùng hẻo lánh, không tập trung sản xuất ở một nơi mà chia nhỏ công đoạn sản xuất, mỗi công đoạn sản xuất ở nơi khác nhau.”
Ông Nguyễn Viết Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Tp. Hồ Chí Minh nhận định hàng giả tràn lan khiến cơ quan chức năng không thể kiểm soát. Do đó, người tiêu dùng cần chủ động, thận trọng khi mua hàng, tại các địa điểm không đáng tin cậy. Ông cũng nhấn mạnh: “Ngay cả tem chống giả cũng bị làm giả, khiến người tiêu dùng khó lòng phân biệt.”
![]() |
Bà Đại Khả Quỳnh – Trưởng tiểu ban Sở hữu trí tuệ, chống hàng giả của VAMM – cho biết hàng giả ngày càng tinh vi đến mức rất khó phân biệt với hàng thật. Nhiều sản phẩm còn gắn tem hợp quy, sử dụng trái phép thương hiệu của các doanh nghiệp thành viên VAMM. Trong năm 2024, VAMM đã tham gia xử lý 342 vụ, thu giữ hơn 17.000 đơn vị phụ tùng giả; riêng trong nửa đầu năm 2025, đã phát hiện và xử lý thêm 177 vụ việc với trên 2.000 đơn vị linh kiện vi phạm. Trong đó, có những vụ kiện kéo dài nhiều năm liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ mà VAMM và doanh nghiệp thành viên đã theo đuổi đến cùng để bảo vệ lợi ích chính đáng.
Bên cạnh các hoạt động pháp lý, VAMM cũng đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng. Gần đây, các chương trình tập huấn phân biệt hàng thật – giả do VAMM phối hợp tổ chức tại Hà Nội, Thái Nguyên, Bình Định, Đắk Nông và Phú Yên đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao năng lực nhận diện sản phẩm của lực lượng quản lý thị trường địa phương. Các thành viên trong hiệp hội, tiêu biểu như Honda Việt Nam, cũng liên tục đẩy mạnh việc cung cấp sản phẩm chính hãng, đảm bảo rõ ràng nguồn gốc, chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng.
Đại diện VAMM, bà Đại Khả Quỳnh khẳng định: “Hiện nay, hàng giả được làm tinh vi đến mức giống hệt hàng thật, thậm chí còn được dán tem chống giả, tem hợp quy và tự ý gắn thương hiệu của các doanh nghiệp thành viên VAMM. Điều này gây khó khăn cho cả lực lượng chức năng lẫn người tiêu dùng trong việc phân biệt và ngăn chặn.” Bà cũng chỉ ra rằng với sự vào cuộc đồng bộ từ các bên liên quan và sự chủ động của chính người tiêu dùng, mới có thể đẩy lùi được vấn nạn hàng giả đang ngày càng len lỏi sâu vào đời sống.
Bên cạnh các nỗ lực từ phía quản lý Nhà nước, việc bảo vệ người tiêu dùng cần có sự chung tay của toàn xã hội. Người dân được khuyến khích nên mua sản phẩm tại các cửa hàng, đại lý chính hãng, có đầy đủ hóa đơn và kiểm tra Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng (đối với xe máy) để đảm bảo mua đúng hàng hóa của nhà sản xuất chính hãng. Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm, cần chủ động báo cho các cơ quan chức năng như Cục Quản lý thị trường, lực lượng Cảnh sát Kinh tế hoặc đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về hàng giả. Mọi thông tin cung cấp sẽ được bảo mật và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Việc sử dụng hàng giả, hàng nhái không chỉ tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn rủi ro lớn về tính mạng và tài sản của người dân, nhất là với các sản phẩm như mũ bảo hiểm hay phụ tùng xe máy. Trong nỗ lực đẩy lùi hàng giả, cần sự chung tay của toàn xã hội – từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp đến từng cá nhân. Với vai trò cầu nối, VAMM cam kết tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ và người dân trong việc sản xuất, phân phối sản phẩm đạt chuẩn, góp phần xây dựng thị trường minh bạch, an toàn và phát triển bền vững.