Xây dựng hệ sinh thái để công nghiệp ô tô “cất cánh”

Công nghiệp ô tô là "hạt nhân” của quá trình công nghiệp hóa đất nước. Nếu cứ lệ thuộc toàn bộ vào đầu tư nước ngoài, sẽ không thể phát triển bền vững.

Doanh nghiệp Việt yếu thế

Theo GS, TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Thái Lan là quốc gia có ngành công nghiệp ô tô khá phát triển. Tổng giá trị ngành công nghiệp ô tô mang lại cho Thái Lan hàng nghìn tỷ bath mỗi năm. Hiện Thái Lan có gần 600 nhà cung cấp cấp 1 và 1.700 nhà cung cấp 2, cấp 3 cho sản xuất lắp ráp ô tô. Tuy nhiên, tỉ lệ các doanh nghiêp nội địa thuần Thái Lan hoặc doanh nghiệp do Thái Lan làm chủ chỉ chiếm 20% tổng giá trị ngành công nghiệp ô tô nước này.

xe1.jpg

Sản xuất linh kiện ô tô tại Công ty Trường Hải (Quảng Nam).​

Với Việt Nam, sau hàng chục năm phát triển, đến nay công nghiệp ô tô vẫn ở giai đoạn 1, gọi là giai đoạn duy trì. So với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, đạt tỷ lệ nội địa hóa 65-70%, thì Việt Nam còn kém vài thế hệ. Các doanh nghiệp thuần nội địa của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng cho ngành ô tô không chỉ ít về số lượng mà còn chủ yếu sản xuất những sản phẩm giản đơn.

TS Trương Thị Chí Bình, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, sản xuất linh kiện ô tô tại Việt Nam chia làm 2 nhánh: những hoạt động có giá trị cao, chủ yếu được thực hiện bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), còn các hoạt động có giá trị thấp tập trung bởi những doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong nước. Trong đó, nhiều DNNVV đang rơi vào “bẫy năng suất thấp”.

Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch VASI cho biết, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có tiềm lực mạnh, đã làm chủ công nghệ, đã nằm trong chuỗi cung ứng cho các tập đoàn ô tô lớn thế giới, lại nhận được ưu đãi lớn của Nhà nước nên rất mạnh. Trong khi đó, các DNNVV Việt Nam có năng lực yếu, không làm chủ được công nghệ sản xuất, lại không nhận được những hỗ trợ ưu đãi đủ mạnh từ nhà nước, nên không thể cạnh tranh được, rất khó chen chân vào chuỗi cung ứng ngành ô tô ngay tại “sân nhà”.

Công nghiệp ô tô là "hạt nhân” của quá trình công nghiệp hóa đất nước. Nếu cứ lệ thuộc toàn bộ vào đầu tư nước ngoài sẽ không thể bền vững. Vì lý do nào đó nếu họ rút đi, sẽ dẫn đến hiện tượng “giải trừ công nghiệp”. Chẳng hạn khi thị trường ô tô mở cửa hoàn toàn vào năm 2030, với thuế nhập khẩu về 0%, nếu các doannh nghiệp ô tô nước ngoài dừng sản xuất lắp ráp, chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc về phân phối, còn các doanh nghiệp cung cấp linh kiện của họ rời đi, sẽ để lại cho Việt Nam một ngành sản xuất trống rỗng. Với số doanh nghiệp nội địa còn lại ít ỏi, chỉ sản xuất những linh kiện giản đơn, có giá trị gia tăng thấp, sẽ không thể tạo nên ngành công nghiệp ô tô.

Hệ sinh thái của Việt Nam

Muốn ngành công nghiệp ô tô phát triển bền vững, Việt Nam cần hình thành những doanh nghiệp nội địa có tiềm lực mạnh, vươn lên làm chủ công nghệ và nắm vai trò dẫn dắt, kéo theo các doanh nghiệp khác tham gia chuỗi cung ứng, đưa công nghiệp ô tô đi lên.

Tại Việt Nam đến nay đã xuất hiện những nhân tố này. Điển hình là Công ty VinFast. VinFast đã định hình 2 trung tâm công nghiệp ô tô lớn tại Hải Phòng và Hà Tĩnh. Nhà máy ô tô VinFast tại Hải Phòng có công suất 250.000 xe/năm, có thể nâng lên 900.000 xe/năm. Tại Hà Tĩnh, VinFast mới khởi công Nhà máy ô tô hiện đại với công suất 300.000 xe/năm, có thể nâng lên 600.000 xe/năm. VinFast đang hình thành cụm công nghiệp hỗ trợ với sự tham gia của nhiều nhà cung cấp linh kiện, phục vụ cho lắp ráp ô tô và xuất khẩu. Hiện ô tô của VinFast đã đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 60%, sẽ tăng lên 84% vào năm 2026.

san-xuat-o-to-dien-tai-nha-may-vinfast-hai-phong-.jpg

Sản xuất ô tô tại nhà máy VinFast (Hải Phòng).​

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công ty CNC Vina chia sẻ, đồng hành VinFast từ năm 2017, đến nay chúng tôi đã trở thành đối tác dập thân vỏ ô tô VinFast. Từ một cơ sở sản xuất với tài sản 30 triệu USD, sau hơn 7 năm chúng tôi đã tăng trưởng tới 12 lần, lên 500 triệu USD.

Ông Trần Quốc Minh Đăng, Tổng giám đốc công ty TNHH Ý Chí Việt cho biết, năm 2020 doanh nghiệp đã có bước ngoặt lớn khi trở thành nhà cung cấp linh kiện cho ô tô VinFast. Đây là cơ hội "lửa thử vàng", bởi sản xuất linh kiện ô tô đòi hỏi năng lực cao và quá trình kiểm soát chất lượng khắt khe. Hợp tác với VinFast đã giúp doanh nghiệp vươn lên, tham gia vào chuỗi cung ứng cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

GS, TS Lê Anh Tuấn cho rằng, khi đã có “đầu tàu”, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp ô tô sẽ đứng trước cơ hội lớn mạnh. Với sự tiên phong của các doanh nghiệp như VinFast, sẽ tạo ra hệ sinh thái ô tô cho Việt Nam, từ đó mở ra tương lai mới cho ngành công nghiệp ô tô và sản xuất nội địa.