Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, ô tô Zotye Z8 gắn biển số 38A-999.99 chạy trên địa bàn TP Hà Tĩnh mà người dân chụp hình được đăng lên mạng xã hội là biển số giả.
Theo đó, Công an TP Hà Tĩnh đã tìm ra chủ nhân chiếc xe và mời lên công an làm việc. Tại đây, Công an TP Hà Tĩnh đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với anh Q với tổng tiền phạt khoảng 16 triệu đồng về các hành vi: Gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp, không có giấy chứng nhận đăng ký xe, không có giấy phép lái xe. Đồng thời, Công an TP Hà Tĩnh cũng ra quyết định tạm giữ phương tiện.
Chủ nhân của chiếc xe ô tô Zotye Z8 gắn biển số 38A-999.99 bị phạt 16 triệu đồng. Ảnh: CA
Từ sự việc trên, các chủ xe cần lưu ý mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm giao thông như sau:
1.Gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cung cấp.
Theo Khoản 3 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, xe cơ giới phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Thông tư 58/2020 (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 58/2022) của Bộ Công an chỉ rõ, chỉ các cơ quan sau mới được cấp biển số xe: Cục CSGT; Phòng CSGT, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh, TP trực thuộc trung ương; Công an cấp huyện.
Trường hợp sử dụng biển số xe giả, cả người điều khiển phương tiện và chủ xe đều sẽ bị lực lượng CSGT xử phạt vi phạm theo Nghị định 100/2019 với “lỗi điều khiển xe gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp”.
Mức phạt đối với lái xe ô tô là 4-6 triệu đồng; chủ nhân chiếc xe ô tô là cá nhân thì bị phạt 4-6 triệu đồng, còn nếu là tổ chức thì bị phạt 8-12 triệu đồng.
2. Mức phạt đối với xe ô tô không có hoặc không mang giấy đăng ký xe.
Trường hợp điều khiển xe không có giấy đăng ký xe theo quy định hoặc sử dụng giấy đăng ký xe đã hết hạn sử dụng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi điều khiển xe ô tô (theo điểm a khoản 4 Điều 16 Nghị định 123/2021).
Ngoài ra, áp dụng xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng (theo điểm a khoản 8 Điều 16 Nghị định 123/2021).
Trong trường hợp không có giấy đăng ký xe hoặc sử dụng giấy đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, không đúng số khung, số máy của xe hoặc bị tẩy xóa (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) mà không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện (không có giấy tờ, chứng từ chuyển quyền sở hữu xe hoặc giấy tờ, chứng từ nguồn gốc xe hợp pháp) thì bị tịch thu phương tiện (theo đ.khoản 8 Điều 16 Nghị định 123/2021).
3. Mức phạt với lỗi không có bằng lái xe ô tô
Theo điểm b khoản 9 Điều 21 Nghị định 123/2021: Phạt tiền từ 10-12 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm một trong các hành vi không có giấy phép lái xe hoặc sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc sử dụng giấy phép lái xe bị tẩy xóa.
Đồng thời, theo điểm i khoản 1 Điều 32 Nghị định 123/2021 cũng quy định: Để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền được phép tạm giữ phương tiện trước khi ra quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 2, khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) đối với những hành vi vi phạm.