Trung tâm Đăng kiểm tại TP.HCM ráo riết thực hiện thu phí không tiền mặt cho xe đến kiểm định

Sau chỉ đạo "nóng" của Cục Đăng kiểm Việt Nam về thu phí kiểm định không tiền mặt, các Trung tâm Đăng kiểm tại TP.HCM ráo riết thực hiện. 

Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa có văn bản gửi đến các đơn vị đăng kiểm về việc chấp nhận thanh toán bằng nội dung không nhận tiền mặt.

Cục Đăng kiểm chỉ đạo "nóng"

Theo Cục Đăng kiểm vừa qua, Cục nhận được phản ánh của người dân và báo chí về việc một số Đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn TP.HCM chỉ nhận thanh toán bằng tiền mặt mà không nhận chuyển khoản.

Liên quan đến vấn đề này, Cục Đăng kiểm cho rằng việc chỉ nhận thanh toán bằng tiền mặt gây mất thời gian, đồng thời không tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp và không phù hợp với chủ trương của Nhà nước là thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Trung tâm Đăng kiểm tại TP.HCM ráo riết thực hiện thu phí không tiền mặt cho xe đến kiểm định - 1

Các TTĐK tại TP.HCM ráo riết thực hiện thu phí kiểm định không tiền mặt. Ảnh: TN

Theo quy định tại điểm b khoản 10 Điều 1 Nghị định số 30/2023 quy định Đơn vị đăng kiểm sẽ bị tạm đình chỉ 3 tháng nếu: "Đưa ra các yêu cầu hoặc ban hành các thủ tục không có trong quy định do Bộ GTVT ban hành về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân, từ chối cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới trái quy định của pháp luật”.

Vì vậy, Cục Đăng kiểm yêu cầu các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, đặc biệt là các đơn vị đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM khẩn trương triển khai việc tiếp nhận thanh toán bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khác để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Nếu có vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, các đơn vị đăng kiểm liên hệ với Cục để được hỗ trợ, giải quyết.

Trước đó, ngày 26-12-2022, Cục ĐKVN đã có Văn bản số 2718/ĐKVN-TC gửi các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước hướng dẫn khách hàng có thể sử dụng các phương thức thanh toán: bằng tiền mặt, thanh toán bằng thẻ ATM, thẻ tín dụng hoặc chuyển khoản.

Theo đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới nghiêm túc triển khai, thực hiện.

TTĐK tại TP.HCM ráo riết thu phí không tiền mặt

Như PLO đã đưa tin, vừa qua nhiều người dân phản ánh tình trạng bất tiện khi đi đăng kiểm, các Trung tâm Đăng kiểm (TTĐK) chỉ nhận tiền mặt mà không nhận tiền chuyển khoản.

Trao đổi với PV, ông Đoàn Bảo Tân, Phó Giám đốc TTĐK 50-03S (TP Thủ Đức) cho biết hiện TTĐK đã bỏ thông báo cũ “chỉ nhận tiền mặt” và đơn vị đang khẩn trương thực hiện thu phí không tiền mặt.

Trung tâm Đăng kiểm tại TP.HCM ráo riết thực hiện thu phí không tiền mặt cho xe đến kiểm định - 2

Bạn đọc cũng ý kiến chưa chắc vụ thu phí kiểm định qua chuyển khoản là thuận tiện cho chủ xe. Ảnh: TN

Đại diện một TTĐK khác tại TP.HCM cho biết: “Vừa có văn bản triển khai chúng tôi chưa thể làm ngay được, mà sẽ phối hợp với ngân hàng triển khai mở tài khoản, rồi liên quan đến các quy định thu, chi”.

Theo vị đại diện này thì TTĐK nào cũng muốn lập tài khoản để phục vụ sự thuận tiện cho người dân nhưng hiện nay tiền thu hộ về phí đường bộ thường phải nộp vào cuối ngày, cụ thể là vào 15 giờ 30. Do đó, các TTĐK cũng đang chờ hướng dẫn và làm việc phía bên ngân hàng.

Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết: “Sau khi nhận được văn bản của Cục Đăng kiểm, Sở sẽ triển khai thí điểm tại TTĐK 50-02S và chuẩn bị tổ chức tại các TTĐK còn lại trên địa bàn TP.HCM”.

Theo ông An, Sở sẽ phối hợp với ngân hàng ký kết với các TTĐK theo các điều khoản của hợp đồng hai bên. “Phí sẽ do các TTĐK chịu”- ông An cho hay.

Mặc dù việc thu tiền qua chuyển khoản có thể là thuận tiện cho một số trường hợp, tuy nhiên một số bạn đọc cũng phản ánh, nếu đã đóng tiền chuyển khoản nhưng xe không đạt thì gây khó khăn cho việc trả tiền lại cho chủ xe.

Bạn đọc tên Tùng cho hay: “Ở TTĐK không phải là thu tiền 1 chiều (dạng mua và sử dụng dịch vụ). Xe vào kiểm định nếu đạt không nói, nếu không đạt sẽ trả lại tiền cấp tem kiểm định, từ 40-90 ngàn đồng, tuỳ loại xe, nên nếu chuyển khoản loại tiền này sẽ phát sinh nhiều công đoạn về thủ tục”.

Bạn đọc này cũng cho rằng trường hợp khi ít xe kiểm định sẽ dễ xử lý, nhưng nếu đông xe rất mất thời gian.

“Thứ 2 về phí sử dụng đường bộ nếu chuyển khoản chỉ được chuyển khoản sau khi xe đạt các bước kiểm định và chuyển khoản tiền sẽ vào trực tiếp tài khoản phí đường bộ của Nhà nước. Nên nếu chuyển khoản trước sẽ mất nhiều công đoạn để trả lại tiền cho khách hàng nếu xe không đạt. Điều này có nghĩa là rút tiền ra từ tài khoản của nhà nước phải có chứng từ, hồ sơ lưu, một xe thì dễ chứ nhiều xe sẽ làm mất khá nhiều thời gian giải quyết”- bạn đọc cho hay.