Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam - VAMA cho biết sau 4 tháng đầu năm, doanh số bán hàng toàn thị trường đạt tổng cộng 82.515 xe, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng trong tháng 4/2024, doanh số bán hàng của các hãng xe thành viên đạt 24.350 xe, giảm 11% so với tháng vừa rồi.
Trong đó, số xe bán ra trong tháng 4 gồm 17.258 xe du lịch, 6.815 xe thương mại, lần lượt giảm 9% và 15% so với tháng 3. Trong khi đó, doanh số ô tô chuyên dụng đạt 227 chiếc, tăng 21%. Ngoài ra, doanh số xe lắp ráp trong nước đạt 11.983 xe, giảm 17% so với tháng 3. Lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt mức 12.367 chiếc, giảm 3%.
Tính đến hết tháng 4/2024, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước, nhập khẩu lần lượt giảm 17% và 3% so với cùng kì năm ngoái. Cũng theo báo cáo của các hãng trong tháng 4/2024 thì Toyota là một trong những hãng hiếm hoi có doanh số tăng so với cùng kỳ tháng trước, với tổng số xe bán ra trong tháng 4/2024 đạt 2.483 xe, tăng 618 xe tương đương khoảng 16%.
Một số thương hiệu từ Nhật Bản như Honda, Suzuki và Mitsubishi lại chứng kiến mức sụt giảm doanh số mạnh. Nổi trội nhất là Honda có mức doanh số giảm mạnh nhất khoảng 36% so với tháng vừa rồi. Còn Suzuki và Mitsubishi lần lượt là 32% và 27%.
Nhưng so với tháng 4/2023, tổng lượng xe bán ra của các thành viên VAMA đã tăng 9%. Hiện tại, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 21-4 về các giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, trong đó giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng trong tháng 5 về gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm tiền thuê đất, mặt nước.
Thông tin này khiến thị trường có phần chững lại nhẹ khi một lượng khách hàng dấy lên tâm lý đợi chờ đợt ưu đãi lệ phí trước bạ thứ tư. Điều này cũng tác động không nhỏ tới các hoạt động mua bán xe mới. Đây cũng có thể là cú hích để đưa thị trường ô tô sôi động trở lại, khi nền kinh tế đang có dấu hiệu dần hồi phục.