Cũng như nhiều lĩnh vực khác, ô tô là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng từ dịch bệnh Covid-19. Tại Việt Nam, tính từ đầu năm 2020, doanh số bán hàng của các hãng đều sụt giảm. Trong tháng 3 vừa qua, nhiều nhà máy tạm dừng sản xuất, một phần vì tuân thủ các quy định “cách ly xã hội”, một phần do ảnh hưởng từ chuỗi cung ứng linh kiện hoặc theo yêu cầu từ các hãng “mẹ”.
Tuy nhiên, sau khi nước ta thành công trong việc phòng chống Covid-19, Chính phủ đã ban hành kịp thời các chính sách nhằm phát triển kinh tế, xã hội. Các hãng xe trong tháng 4 đến nay cũng ra mắt xe mới dù dưới hình thức trực tuyến.
Bên cạnh đó, các chính sách về thuế, phí cũng được cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm và giải quyết. Mới đây, theo đệ trình của VAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam) cùng các bộ, ngành liên quan, Chính phủ đã đồng ý giảm phí trước bạ ô tô xuống còn 50%, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt…
Báo cáo thống kê của VAMA và các doanh nghiệp ngoài hiệp hội này cũng cho thấy, số lượng xe bán ra trong tháng 5-2020 đã tăng so với tháng trước. Cụ thể, số xe bán ra là 27.373 chiếc trong tháng vừa rồi, tăng nhiều so với tháng 4-2020 vốn chỉ bán được 11.761 xe.
Như vậy, từ yếu tố xã hội đến các chính sách đến thời điểm này xem như đã “an yên” nhưng một số thành viên VAMA vẫn quyết định rời bỏ sân chơi mang tính biểu trưng cho ngành xe trong nước. Trước thời điểm này khá lâu, Volkswagen Việt Nam đã khẳng định rút lui khỏi VMS 2020 diễn ra vào tháng 10/2020 vì nhiều lý do như hiệu quả mang lại, lo sợ tình hình dịch bệnh.
Mới đây, Toyota Việt Nam cũng cho thấy ý định họ sẽ rút khỏi triển lãm này, bao gồm cả Lexus. Động thái của Toyota Việt Nam được xem là kín tiếng vì không không bố rộng rãi thông tin này. Theo một số thông tin, Mercedes Benz Việt Nam (MBV) nhiều khả năng cũng rút lui khỏi VMS 2020 dù đại diện truyền thông của hãng này cho biết tình hình vẫn đang được xem xét.
Cũng như những hãng khác, thông tin cho thấy ngoài yếu tố hiệu quả mang lại (thương hiệu, bán hàng) thì dịch bệnh Covid-19 cũng được xem là lý do khiến hãng này đang muốn dừng cuộc chơi. Số tiền “đặt cọc” mà các đơn vị tham gia VMS phải đóng cho phía đối tác là Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sài Gòn (SECC, quận 7, TPHCM) là vài tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện số tiền này mới được “giải ngân” một ít. Một nguồn tin khác cho biết, nếu do yếu tố khách quan (thiên tai, dịch bệnh…) thì tiền cọc mà các đơn vị đã ứng sẽ được giảm trừ theo tỷ lệ. Tuy nhiên, nếu hãng nào tuyên bố hủy hợp đồng từ thời điểm này, họ sẽ phải trả phần tiền “đặt cọc”.
Trong trường hợp vẫn còn 10 hãng tham gia, VMS sẽ tiếp tục được tổ chức, và vẫn đang chờ ý kiến của lãnh đạo các hãng nhóm VAMA như Ford, Mitsubishi, Nissan… Với Audi Việt Nam, đại diện đơn vị này cho biết vẫn sẽ tham gia. Tất nhiên, trong tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn là mối đe dọa, trường hợp hủy triển lãm vì lý do khách quan thì không ai có thể nói trước.
Hãng xe Việt là Vinfast hiện chưa có ý kiến gì về việc này trong khi TC Motor đang vẫn là ẩn số khi có thông tin cho biết, họ sẽ tham gia VMS 2020. Triển lãm Vietnam Motor Show là sự kiện thường niên của ngành xe lớn nhất và lâu đời nhất tại Việt Nam còn tồn tại và phát triển đến nay. Trong nhiều năm qua, triển lãm này thường đón nhận hàng trăm ngàn lượt khách vào tham quan và mua sắm xe, cũng như các thiết bị phụ trợ.
Nguồn: http://danviet.vn/trien-lam-vms-2020-nhieu-kha-nang-bi-huy-cac-ong-lon-bo-cuoc-choi-502020196115...Nguồn: http://danviet.vn/trien-lam-vms-2020-nhieu-kha-nang-bi-huy-cac-ong-lon-bo-cuoc-choi-50202019611591943.htm