Thái, Indo tìm hướng xuất ô tô
Hiệp hội kinh doanh ô tô Indonesia (Gaikindo) cho biết doanh số bán ô tô của Indonesia tháng 5/2020 chứng kiến mức giảm chưa từng có trong lịch sử. Các DN chỉ bán được 3.551 xe, giảm 95% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 54% so với tháng 4/2020.
Gaikindo dự báo, trong tháng 6/2020, thị trường ô tô Indonesia tiếp tục sụt giảm tồi tệ do đại dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, nhu cầu của người dân vì thế chưa thể hồi phục.
Trong khi đó, Hiệp hội sản xuất ô tô Thái Lan cho hay ngành công nghiệp ô tô nước này cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Sản lượng toàn ngành vào khoảng 54.000 xe/tháng vào đầu năm đã giảm còn 28.000 xe/tháng vào tháng 5/2020.
Ô tô Thái Lan và ô tô Indonesia sắp tràn vào Việt Nam?
Thái Lan và Indonesia là hai quốc gia có sản lượng ô tô sản xuất lớn nhất Đông Nam Á. Năm 2019, Thái Lan sản xuất 2.013.710 xe, tiếp đến là Indonesia với 1.286.848 xe. Ngoài tiêu thụ trong nước, hai quốc gia này còn xuất khẩu ô tô.
Tại Indonesia, khoảng 30% số ô tô sản xuất ra được xuất khẩu. Năm 2020 Indonesia dự kiến xuất khẩu từ 350.000-450.000 xe nhưng đại dịch khiến cho doanh số xuất khẩu giảm một nửa, dự kiến chỉ khoảng 200.000 xe.
Còn tại Thái Lan, gần 60% số ô tô sản xuất ra được xuất khẩu. Covid-19 đã làm tiêu tan các đơn hàng, khiến sản lượng xe giảm hơn hai phần ba kể từ đầu năm. Năm 2020, Thái Lan dự kiến xuất khẩu 500.000 xe.
Tuy vậy, sản xuất ô tô bắt đầu phục hồi, nhất là tại Thái Lan, trong khi tiêu thụ nội địa thấp khiến các DN phải tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu. Các DN ô tô tại Thái lan và Indonesia đã đề xuất với Chính phủ nhiều giải pháp, như nới lỏng chính sách thuế, phí, giảm bớt các rào cản trong hoạt động xuất nhập khẩu phụ tùng, linh kiện và ô tô nguyên chiếc, hỗ trợ các DN tối ưu hóa năng lực sản xuất.
Về phía mình, hiện các nhà sản xuất ô tô đang xây dựng chiến lược và thực hiện tái cơ cấu triệt để sau dịch Covid-19. Ông Winai, Chủ tịch Hiệp hội ô tô Thái Lan, trên tờ Bangkok Post, tiết lộ hàng ngàn robot AI (robot sử dụng trí tuệ nhân tạo) đã được chuyển đến Thái Lan và đang để trong một nhà kho quá cảnh ở khu công nghiệp Laem Chabang, thuộc tỉnh Chon Buri. Một robot AI có thể làm thay phần việc của 5 đến 10 công nhân. Không chỉ các nhà sản xuất ô tô, ngành công nghiệp phụ trợ cũng chịu sức ép của quá trình dịch chuyển sản xuất.
Trong khi đó, Việt Nam đang trở thành thị trường nhập khẩu ô tô lớn của Thái Lan và Indonesia. Trong bối cảnh xuất khẩu ô tô gặp khó khăn, thị trường nhiều tiềm năng như Việt Nam rất được chú ý, không chỉ hiện tại mà còn cả tương lai lâu dài.
Tính đến tháng 5, doanh số bán ô tô nhập khẩu tại Việt Nam đạt hơn 31.000 chiếc, trong khi nhập khẩu hơn 28.000 chiếc, giảm gần 40% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, thời gian tới dự báo xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia và Thái Lan sẽ tràn vào Việt Nam nhiều hơn, khi kinh tế phục hồi.
Với quy định mới như bỏ Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu, hủy kiểm tra chất lượng theo từng lô hàng, thay vào đó là kiểm tra mẫu và chấp nhận kết quả cho các lô xe nhập cùng loại đã tạo ra sự thông thoáng hết cỡ. Hơn nữa, xe nhập khẩu có chi phí sản xuất rẻ hơn khoảng 20% so với xe trong nước, lại được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0% nên có lợi thế lớn.
Với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đang chờ được hưởng chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đến hết 2020. Tuy nhiên, điều này không chênh lệch lớn so với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan và Indonesia. Một số DN chia sẻ đã tính đến phương án hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ để xe nhập khẩu cạnh tranh với xe lắp ráp trong nước trong thời gian tới.
Các DN ô tô Việt Nam lo ngại, do tiêu thụ tại Indonesia và Thái Lan giảm, nên các nhà sản xuất sẽ đẩy mạnh xuất khẩu để bù đắp. Chỉ cần Chính phủ hai nước này “bật đèn xanh”, ô tô sẵn sàng “đại hạ giá” khi xuất khẩu sang Việt Nam, chấp nhận chịu lỗ một thời gian thì DN ô tô Việt Nam khó trụ nổi. Khi đó, thị trường sẽ thuộc về Thái Lan và Indonesia.
Trong khi đó, sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ ngồi trong nước hiện có tổng công suất hơn 500.000 xe/năm. Tuy nhiên, sản lượng sản xuất của các DN năm 2020 dự kiến chỉ đạt 150.000 xe. Ngành công nghiệp ô tô phụ thuộc vào quy mô và sản lượng. Nếu không có sản lượng lớn thì sẽ gặp khó khăn. Các DN ô tô trong nước cho biết, sản xuất khó có thể phục hồi cho tới năm 2021.
Nếu giá ô tô nhập khẩu tiếp tục giảm thì ô tô trong nước càng khó cạnh tranh, mất dần thị phần. Năm 2019, trong khi doanh số bán ô tô nhập khẩu tăng trưởng trên 30% thì ô tô trong nước giảm 12%.
Theo Trần Thủy (Báo điện tử VietnamNet)