Tiêu thụ ô tô liên tục lao dốc

Hai tháng đầu năm 2024 ghi nhận doanh số bán ô tô giảm sâu 50%/tháng và chưa có dấu hiệu phục hồi trong tháng 3 này

Thông thường, tháng cuối năm âm lịch là tháng tiêu thụ ô tô mạnh nhất để phục vụ nhu cầu trong dịp Tết. Thời điểm này, người tiêu dùng có khả năng chi trả khoản tiền lớn sau một năm tích cóp và nhận thưởng. Tuy nhiên, tháng chạp năm Quý Mão 2023, tức tháng 1-2024, lại ghi nhận doanh số giảm sâu khi chỉ hơn 19.000 xe được bán ra, giảm 50% so với tháng 12-2023.

Đến tháng 2-2024, theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), chỉ bán ra được 11.500 chiếc, tiếp tục giảm hơn 40% so với tháng trước. Nhiều mẫu không bán được chiếc nào, ngay cả những mẫu xe ăn khách cũng sụt giảm doanh số thê thảm. Chẳng hạn, mẫu Ford Territory chỉ bán được 220 chiếc trong khi trước đây doanh số ổn định hơn 1.000 chiếc/tháng; mẫu Toyota Vios giảm từ mức tiêu thụ hơn 2.000 chiếc/tháng còn 170 bán ra. Tương tự, một số mẫu khác chỉ đạt doanh số khoảng 100 - 200 chiếc trong tháng 2 vừa qua là Kia Seltos, Honda CR-V, Honda BR-V, Toyota Yaris Cross, Toyota Corolla Cross...

Thị trường ô tô tiếp tục rơi vào ảm đạm kể từ sau khi chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ hết thời hạn thực hiện

Thị trường ô tô tiếp tục rơi vào ảm đạm kể từ sau khi chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ hết thời hạn thực hiện

Lý giải tình trạng doanh số bán ô tô giảm liên tiếp và khá bất thường, ông Thái Quang Huy, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Dịch vụ Sài Gòn Ô tô Gia Định, cho rằng ngoài nguyên nhân kinh tế khó khăn thì còn do thời gian qua, nhiều hãng giảm giá xe đáng kể nên khách hàng có tâm lý chờ giảm thêm mới xuống tiền mua. "Một số hãng có thông tin chào bán mẫu mới nên nhiều khách hàng muốn tiếp tục chờ" - ông Huy cho biết thêm.

Ông Đào Công Quyết, đại diện VAMA, cho rằng thị trường ô tô ảm đạm một phần là do chưa khơi thông được thị trường bất động sản, các hoạt động tín dụng, xuất khẩu, dịch vụ cùng nhiều ngành kinh tế khác đều khó khăn khiến dòng tiền bị tắc nghẽn. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ kết thúc từ tháng 12-2023 đã khiến sức mua ô tô giảm đáng kể.

Theo ThS Trần Anh Tùng, Trưởng ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM, tình hình kinh tế giảm sút ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng nên dù ngân hàng đang hạ lãi suất cho vay đối với khoản vay tiêu dùng cá nhân dưới 300 triệu đồng song vẫn không nhiều người vay. Trong khi đó, chi phí sát hạch bằng lái xe cùng một số chi phí liên quan khác có xu hướng tiếp tục tăng vào cuối năm nay cũng gián tiếp ảnh hưởng đến quyết định mua xe của người tiêu dùng.

ThS Trần Anh Tùng phân tích: Để sử dụng ô tô cá nhân, người mua ô tô phải có thu nhập trung bình 30 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, do chưa lạc quan về nền kinh tế nên nhiều người dù đạt mức thu nhập này vẫn để tiền ở tài sản trú ẩn như vàng, tiền điện tử..., thay vì mua ô tô. Thêm vào đó, nhiều dòng ô tô điện và ô tô cũ với mức giá hợp lý đang trực tiếp cạnh tranh với ô tô truyền thống nên các hãng dù có giảm giá cũng khó kích cầu. 

Ô tô mới ế nên "đói" nguồn ô tô cũ

Hãng xe sang Mercedes-Benz Việt Nam vừa thông báo giảm giá mạnh hàng loạt mẫu xe đời 2022, mức giảm lên đến hơn 700 triệu đồng/chiếc. Theo đó, mẫu Mercedes C 200 chỉ còn 1,388 - 1,588 tỉ đồng/chiếc, E 180 còn 1,888 tỉ đồng/chiếc, GLB 35 còn 2,228 tỉ đồng/chiếc...

Ford Việt Nam ngoài ưu đãi giá và tặng gói bảo hiểm 3 năm cho khách, còn tổ chức chương trình rút thăm trúng thưởng với giải thưởng hơn 3 tỉ đồng. Các hãng xe khác như Toyota, Subaru, Volkswagen... cũng giảm giá xe từ vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi chiếc.

Bà Nguyễn Thị Hiền, chủ hệ thống Ô tô Hiền (TP HCM), cho hay xe đời 2022, 2023 tồn kho rất nhiều nên đầu năm nay, các hãng không nhập thêm hàng về thị trường Việt Nam nhiều như trước. Giới kinh doanh xe cũ đang đối mặt tình trạng khó tìm được nguồn hàng do xe mới không tiêu thụ được nhiều thì xe cũ bán ra cũng ít hơn.