Những dòng xe khi được các hãng sản xuất ra phải trải qua nhiều quy trình nghiệm ngặt về an toàn. Tiêu chuẩn an toàn của các tổ chức đánh giá đòi hỏi phải nâng cao hơn so với trước. Một trong số đó là EURO NCAP. Tổ chức này luôn nâng cao tiêu chí của mình để bảo vệ người sử dụng ô tô.
Theo báo cáo của Tổ chức ý tế thế giới WHO những năm trước đây, một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu trong độ tuổi từ 15 đến 44 đến từ tai nạn giao thông. Hơn 6 triệu người tử vong mỗi năm liên quan đến các loại tai nạn khác nhau và khoảng 20% trong số đó liên quan đến các vụ tai nạn giao thông khác nhau. Nói cách khác khoảng 1,2 triệu người chết vì tai nạn giao thông trên toàn thế giới. Và cũng không ngạc nhiên khi tỉ lệ người mua xe vì số lượng sao chứng nhận an toàn được cấp bởi các tổ chức phi lợi nhuận ngày một tăng.
Có rất nhiều tổ chức đánh giá an toàn cho một mẫu xe, có thể kể ra như NHTSA hay IIHS tại Mỹ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu quy trình đánh giá của một trong những tổ chức uy tín trên thế giới dành cho thị trường Châu Âu, EURO NCAP.
Euro NCAP là viết tắt dành cho cụm từ European New Car Assessment Programme, một tổ chức phi lợi nhuận tại Châu Âu. Được thành lập vào năm 1997 bởi Viện nghiên cứu giao thông thuộc Bộ giao thông vận tải Anh, nhưng ngày nay nó được sự hỗ trợ bởi Ủy ban Châu Âu và bảy nước thuộc liên minh Châu Âu. Tiêu chuẩn đánh giá có một số điểm tương đồng với hai tổ chức tại Mỹ, đặc biệt là các thử nghiệm va chạm như tác động từ phía trước, tác động hai bên hông xe, tác động với vật nhọn từ hông xe, và tác động đến người đi bộ.
1. Tác động từ phía trước
Đây là bài thử nghiệm từ thời ban đầu, được xây dựng bởi Ủy ban an toàn giao thông Châu Âu. Bài thử nghiệm này được thực hiện ở vận tốc 64 km/h (khoảng 40 dặm/h), chiếc xe sẽ va chạm trực diện vào một vật cản. Vật cản này được cố định và có cấu trúc hấp thụ xung lực dạng tổ ong. Bài kiểm tra này mô phỏng gần giống với các vụ va chạm trực diện thực tế giữa hai chiếc xe.
Về mặt kỹ thuật, chỉ 40% tiết diện đầu xe tiếp xúc với vật cản, giả lập tình huống hai xe đối đầu ở tốc độ 55 km/h. Ngoài ra, bài thử nghiệm cũng sử dụng hai hình nhân với tỉ lệ 95% như người thật, lực tác động lên hai hình nhân cũng được đo đạc tỉ mỉ. Và một mẫu xe vượt qua bài thử nghiệm này sẽ phải có mức tác động tới hình nhân ít nhất.
Vào năm 2015, bài thử nghiệm tác động phía trước được nâng cấp lên một bậc. Tốc độ thử nghiệm chỉ còn 50 km/h, nhưng tiết diện va chạm được nâng lên tới 100% thay vì 40% như trước. Mặc dù tốc độ giảm xuống nhưng lực tác động giờ đây lớn hơn nhiều so với trước. Chỉ những xe có hệ thống đai an toàn đủ tốt mới có thể ngăn chặn những tác động lên trên hai hình nhân ngồi trong xe.
2. Tác động từ bên hông xe
Tất nhiên, bên cạnh tác động từ phía trước, tác động từ bên hông xe là thử nghiệm quan trọng thứ hai của Euro NCAP. Một vật cản di động tác động lên hông xe tại vị trí cửa lái xe với vận tốc 50 km/h. Vật cản này có chiều ngang 1.500 mm, và dài 500mm, trung tâm điểm tiếp xúc trên xe sẽ có 1 điểm được gọi là “R-Point”, đây là nơi sẽ tác động 95% lên người lái ngồi trong xe.
Euro NCAP không quy định cụ thể trọng lượng của vật cản, nhưng điều này không quan trọng, vì tình huống giả lập xe đang đứng yên và gặp tác động từ bên hông, điều này cũng giúp cho ra những kết quả dễ so sánh giữa các xe trong cùng phân khúc. Lực tác động lên hình nhân cũng được đánh giá và mức độ thâm nhập của vật cản vào trong khoang nội thất cũng cho thấy mức độ an toàn của khoang hành khách.
3. Tác động bên hông bởi vật nhọn dạng cột
Trước năm 2009, tổ chức này mới đưa vào thang đánh giá tiêu chí này. Những bài thử nghiệm sẽ xác định mức độ nguy hại ảnh hưởng đến phần ngực và bụng của lái xe, khi va chạm với một vật nhọn dạng cột cứng.
Xe thử nghiệm sẽ di chuyển ngang ở tốc độ 32km/h và va chạm vào một vật cản dạng cột, tiết diện nhỏ. Những va chạm này gần như làm biến dạng hoàn toàn phần hông xe, hậu quả thường rất khủng khiếp. Với một mẫu xe không trang bị túi khí rèm hay túi khí hông để bảo vệ, hành khách lẫn lái xe thường gặp những chấn thương nghiêm trọng, thậm chí tử vong.
4. Tác động đến khách bộ hành
Những tác động này tưởng chừng như hiếm gặp, nhưng tai nạn giữa người đi bộ và xe không phải không có. Và tiêu chí này ngày nay trở thành một phần đánh giá bắt buộc với tất cả mẫu xe tại Châu Âu, và Euro NCAP không có ngoại lệ cho bất kỳ mẫu xe nào.
Bài thử nghiệm sử dụng một hình nhân va chạm với xe thử nghiệm đang di chuyển ở vận tốc 40 km/h. Trên thực tế có 3 bài thử nghiệm tác động lên người đi bộ, tác động lên phần đầu, phần chân trên và phần chân dưới.
Tương ứng với 3 bài thử nghiệm sẽ là khu vực tác động của xe đến người đi bộ. Ví dụ phần cản trước sẽ được thử nghiệm khi tác động vào vùng chân dưới, phần nắp capo phía đầu xe sẽ thử nghiệm tác động vào phần chân trên, và phần trên nắp capo sẽ thử nghiệm tác động lên phần đầu của người đi bộ.
5. Những trang bị an toàn khác
Sau những bài thử nghiệm tác động vật lý, Euro NCAP cũng chấm điểm dựa trên các trang bị an toàn dành cho trẻ em như móc khóa ghế trẻ em và chốt an toàn trong trường hợp va chạm phía sau. Cuối cùng sẽ là những điểm dựa trên các trang bị an toàn chủ động như hệ thống cân bằng điện tử, cảnh báo cài dây an toàn và các thiết bị cảnh báo tốc độ.
Hệ thống cân bằng điện tử (Electronic Stability Control Testing)
Vào năm 2011, Euro NCAP chính thức thử nghiệm hệ thống cân bằng điện tử, và trang bị an toàn chủ động trở thành 1 phần quan trọng trong đánh giá tiêu chuẩn an toàn.
Khi thử nghiệm hệ thống cân bằng điện tử, Euro NCAP đánh giá đồng thời khả năng kiểm soát chuyển hướng và độ nghiêng của xe, ngoài ra khả năng chuyển làn cũng được đánh giá. Được tổ chức này đặt tên bài kiểm tra là “sine-with-dwell”, xe được đánh giá di chuyển ở vận tốc 80 km/h, và vô lăng được xoay một góc 270 độ để mô phỏng cách đánh lái gấp ở tốc độ cao.
Đến cuối 2014, tất cả các mẫu xe bán ra tại Châu Âu bắt buộc phải trang bị hệ thống cân bằng điện tử, Euro NCAP chính thức ngừng thử nghiệm trang bị này và đến năm 2016, không còn đánh giá dựa trên hệ thống này.
Hệ thống phanh tự động khẩn cấp (Automatic Emergency Braking Interurban)
Khi các nhà sản xuất ô tô trang bị tính năng này, Euro NCAP cũng đưa ra những bài thử nghiệm để đánh giá mức độ an toàn. Các bài thử nghiệm được chia làm 3 cấp độ
Lần thứ nhất, chiếc xe thử nghiệm sẽ di chuyển đến một mẫu xe cố định tại tốc độ lần lượt 30 và 80 km/h. Lần thứ hai, chiếc xe được đánh giá sẽ di chuyển đến gần một mẫu xe đang di chuyển ở tốc độ chậm hơn cũng ở tốc độ tương tự lần thứ nhất. Lần thứ ba, chiếc xe thử nghiệm sẽ di chuyển sau một chiếc xe mẫu và chiếc xe mẫu đột ngột dừng lại ở tốc độ 50 km/h.
Chỉ những hệ thống tránh được những va chạm hoặc gây ra những tác động ít nhất sẽ được đánh giá cao theo Euro NCAP.
Hệ thống phanh tự động trong thành phố (Automatic Emergency Braking City)
Được giới thiệu vào năm 2014, thử nghiệm AEB City được thực hiện trên những mẫu xe trang bị hệ thống phanh này. Xe được đánh giá sẽ di chuyển đến một mô hình xe giả cố định ở vận tốc 10 và 50 km/h.
Điểm cao nhất sẽ được trao cho những mẫu xe tránh va chạm tuyệt đối, và số điểm thấp dần tùy thuộc vào mức độ giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra va chạm.
Hệ thống phanh tự động đối với người đi bộ (Automatic Emergency Braking Pedestrian)
Hệ thống phanh tự động thứ ba được áp dụng vào năm 2016. Trước đó, Euro NCAP đã đưa ra ba bài đánh giá tác động lên người đi bộ, nhưng không có hệ thống phanh tự động.
Để đánh giá hệ thống này, Euro NCAP chia làm hai bài thử nghiệm. Thử nghiệm đầu tiên, một người giả sẽ di chuyển từ trái qua phải và ngược lại ngay hướng di chuyển của xe thử nghiệm. Thử nghiệm thứ hai, một trẻ me giả sẽ xuất hiện đột ngột giữa những hàng xe đang đỗ trong bãi. Và điều đặc biệt, không phải hệ thống phanh tự động nào cũng phản ứng tốt. Euro NCAP chỉ cho điểm những mẫu xe thân thiện với người đi bộ bằng việc tránh được những va chạm từ bài thử nghiệm.
Những hệ thống an toàn chủ động tiên tiến
Euro NCAP cũng chấm điểm những xe được trang bị hệ thống cảnh báo điểm mù, hệ thống hỗ trợ làn đường, hệ thống cảnh báo tốc độ, hệ thống phanh khẩn cấp, cảnh báo sự mất tập trung, cảnh báo tai nạn tự động và hệ thống an toàn trước va chạm.
Cuối cùng, bạn nên nhớ các va chạm thực tế khác xa các thử nghiệm va chạm được thực hiện trong một môi trường giả lập. Nói cách khác, chúng ta không nên ỷ lại các chứng nhận này, để điều khiển xe một cách bất cẩn, mất an toàn. Mặc dù vậy, lựa chọn một chiếc xe được chứng nhận 5 sao từ Euro NCAP luôn là một sự ưu tiên, đáng để cân nhắc.
Nguồn: http://danviet.vn/thi-truong-xe/tim-hieu-quy-trinh-danh-gia-xe-an-toan-theo-chuan-euro-ncap-1066...Nguồn: http://danviet.vn/thi-truong-xe/tim-hieu-quy-trinh-danh-gia-xe-an-toan-theo-chuan-euro-ncap-1066043.html