Ở thời điểm hiện tại, các hãng xe và đại lý cùng nhau tung các chương trình chính sách giá bán để thu hút người dùng, thậm chí là có những mẫu xe giảm trung bình khoảng 100 triệu đồng để đẩy doanh số. Tuy nhiên vẫn có một số mẫu xe gặp tình trạng đội giá tại đại lý thông qua hình thức mua kèm phụ kiện để có thể nhận xe sớm nhất.
Honda CR-V e:HEV RS
Đây là mẫu xe có giá bán gây tranh cãi bởi ngay từ khi ra mắt đã có tình trạng bia kèm lạc tại đại lý với lý do xe nhập khẩu với số lượng hạn chế, dẫn đến khan hàng. Theo đó người dùng buộc phải mua thêm các gói phụ kiện với mức giá trung bình 30 triệu đồng để có suất nhận xe sớm.
Tuy nhiên, tình trạng đội giá “bia kèm lạc” chỉ xuất hiện trên phiên bản hybrid e:HEV, ba phiên bản còn lại hiện đang được giảm giá mạnh thông qua hình thức hỗ trợ toàn bộ phí trước bạ, riêng bản G còn trừ thêm 30 triệu tiền mặt nâng tổng mức giảm lên tới hơn 140 triệu đồng.
Toyota Corolla Cross 2024
Mặc dù Toyota Việt Nam mới chỉ công bố thông tin về giá bán của Toyota Corolla Cross 2024 trước khi ra mắt chính thức vào ngày 6/5 tới đây. Tuy nhiên một số tư vấn bán hàng đã chào mời đặt cọc đi kèm gợi ý mua thêm gói phụ kiện từ 15 đến 20 triệu đồng nếu muốn nhận xe sớm, hoặc chờ theo thứ tự với thời gian khá dài.
Nguyên nhân cũng có phần quen thuộc khi đây là xe nhập khẩu từ Thái Lan nên số lượng có phần hạn chế và giai đoạn đầu không có nhiều xe. Phiên bản 2024 Corolla Cross chỉ là bản nâng cấp nhẹ, tinh chỉnh về thiết kế, bổ sung thêm vài trang bị và có giá đề xuất thấp hơn 40-50 triệu đồng so với đời cũ.
Toyota Land Cruiser
Đây có lẽ là mẫu xe lập kỷ lục khi có mức “bia kèm lạc” cao ngất ngưỡng, bởi ở thời điểm ra mắt mẫu xe này đã có giá chênh lệch từ trung bình 300 đến hơn 650 triệu đồng tùy theo thời điểm và đại lý nơi bán. Hiện tại mẫu xe này vẫn đang đội giá không dưới 200 triệu đồng.
Trước đó, từng có thời điểm người mua Toyota Land Cruiser phải chi thêm 1.2 đến 1.3 tỷ đồng vào giữa năm 2022 để có thể nhận xe. Điều này không chỉ tại Việt Nam mà nhiều thị trường trên thế giới cũng gặp tình trạng này. Nguyên nhân được cho là nhà máy tại Nhật Bản lắp ráp không đủ để đáp ứng nhu cầu người dùng trên thế giới.