Đề xuất trừ điểm giấy phép lái xe vi phạm là điểm mới trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ tháng 4/2024, so với dự thảo được Bộ Công an trình Quốc hội cuối năm 2023. Vấn đề này được nghiên cứu từ kinh nghiệm nhiều nước như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc...
Theo đó, mỗi giấy phép lái xe có 12 điểm, được lưu trên hệ thống cơ sở dữ liệu. Tài xế vi phạm sẽ bị trừ điểm. Số điểm cụ thể bị trừ tương ứng với từng trường hợp vi phạm và sẽ do Chính phủ quy định chi tiết. Dữ liệu trừ điểm được cập nhật trên hệ thống dữ liệu ngay khi hình thức xử phạt có hiệu lực.
Người lái xe được thông báo nội dung này. Nếu giấy phép lái xe chưa bị trừ hết 12 điểm và tài xế không bị trừ điểm thêm lần nào trong 12 tháng gần nhất, sẽ được phục hồi đủ số điểm.
Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, tài xế phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Cục CSGT tổ chức. Khi học xong, đạt kết quả thì bằng lái được phục hồi đủ 12 điểm. Giấy phép lái xe mới đổi, cấp lại, nâng hạng được giữ nguyên số điểm trước khi đổi. Chính phủ sẽ quy định trình tự, thủ tục trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.
Theo Bộ Công an, tình trạng vi phạm giao thông tại Việt Nam trong thời gian qua diễn ra phổ biến, phần lớn là do ý thức tài xế kém, văn hóa giao thông chưa hình thành rõ nét. Trung bình mỗi năm, CSGT xử lý hơn 3 triệu trường hợp vi phạm, tước giấy phép lái xe hơn nửa triệu trường hợp. Tai nạn giao thông tuy giảm nhưng ở mức cao, nhiều vụ làm chết, bị thương nhiều người. Nguyên nhân chủ yếu là lỗi của tài xế không chấp hành quy định.
Ngoài ra, việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe còn nhiều bất cập, chưa phù hợp, chưa sát thực tế, một số công đoạn còn dễ dãi. Không ít học viên sau khi được cấp bằng lái nhưng không đủ tự tin để lái ôtô ra đường, kỹ năng kém, không nắm được pháp luật, nhất là quy tắc tham gia giao thông. Việc quản lý người lái xe sau khi được sát hạch, cấp giấy phép lái xe đang bị buông lỏng nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu, cơ quan soạn thảo nêu.