Tại sao 2 bánh trên xe máy lại có kích thước khác nhau?

Nếu để ý, bạn sẽ nhận thấy rằng với hầu hết xe máy trên đường, đặc biệt là các dòng xe tay ga thì kích thước bánh trước và bánh sau thường không giống nhau.

Cụ thể, bánh trước thường có đường kính lớn hơn, nhưng độ rộng lốp lại hẹp hơn so với bánh sau.

Trên thực tế, lốp cao su bắt đầu được sử dụng trên bánh xe máy từ những năm 1800, khi đó, bánh trước và bánh sau của xe có kích thước giống hệt nhau. Tuy nhiên, từ những năm 1900, các nhà sản xuất lốp chuyên nghiệp cho thấy việc bánh trước và bánh sau có kích thước giống nhau là không tối ưu cho vận hành.

Tại sao 2 bánh trên xe máy lại có kích thước khác nhau? - 1

Để mang tới khả năng vận hành tốt nhất, bánh xe thường có kích thước không tương xứng giữa trước và sau, cụ thể:

Kích thước vành bánh trước thường to hơn bánh sau

Bánh trước trên xe máy là bánh chịu áp lực và có chức năng điều hướng, chính vì thế, khi có kích thước vành lớn hơn, xe có khả năng điều hướng tốt hơn, đặc biệt là sự linh hoạt khi vận hành trên các điều kiện đường không bằng phẳng (như là leo vỉa hè,...). Đương nhiên các nhà sản xuất cũng tính toán để kích thước lốp lớn tới mức nào là đủ, chứ không phải cứ càng to càng tốt.

Tại sao 2 bánh trên xe máy lại có kích thước khác nhau? - 2

Ngoài ra, việc bánh sau có kích thước nhỏ hơn giúp làm tăng không gian giữa bánh và yên xe - chính là điều kiện để mang tới cốp chứa đồ rộng rãi hơn, do đó, hầu hết các dòng xe tay ga có cốp rộng đều có bánh trước to hơn bánh sau như là Honda Lead (với cốp 37 lít) có bánh trước 12 inch, bánh sau 10 inch; Yamaha Acruzo (cốp 37 lít) có bánh trước 12 inch, bánh sau 10 inch...

Và thêm một điều nữa, sự chênh lệch kích thước này cũng giúp giảm xóc trên xe máy có hành trình dài hơn, điều này giúp xe êm ái hơn trong quá trình vận hành, giúp người đi thoải mái, đặc biệt là trên những cung đường dài.

Lốp sau thường rộng hơn lốp trước

Trong khi kích thước vành trước lớn hơn vành sau thì lốp sau lại thường to hơn lốp trước. Có thể thấy rõ điều này nhiều loại xe như là xe tay ga Honda SH với lốp trước 100mm, lốp sau 120mm; xe côn tay Yamaha Exciter có lốp trước 90mm, lốp sau 120mm...

Tại sao 2 bánh trên xe máy lại có kích thước khác nhau? - 3

Nguyên nhân là bánh sau thường là bánh chịu tải trọng chính trên xe máy, nên khi có diện tích tiếp xúc với mặt đất càng lớn thì xe có được sự ổn định và cân bằng càng tốt trong quá trình vận hành. Ngoài ra, lốp sau rộng cũng giúp xe có điểm tựa tốt để tạo ra lực kéo mạnh hơn, tốt hơn cho quá trình tăng tốc cho xe máy.

Và một điểm nữa thuộc về mặt mỹ quan, lốp sau lớn thường khiến xe có được sự hầm hố và tăng sự sang trọng của xe, đây chính là lý do mà hầu hết các mẫu xe ga cao cấp thường có bánh sau là "bánh béo".

Đương nhiên, vai trò điều hướng, lốp trước càng hẹp thì càng linh hoạt trong việc chuyển hướng. Tuy nhiên, bánh trước cần có độ bám đường tốt hơn (với nhiều gai hơn và rãnh gai sâu hơn) bởi khi vận hành trên các cung đường trơn trượt trong trời mưa, nếu lốp trước bị mòn rất dễ dẫn tới tình trạng trượt và gây nguy hiểm cho người điều khiển. Đây cúng chính là lý do là phanh đĩa thường lẫn hệ thống phanh ABS thường được ưu tiên trang bị cho bánh trước. 

Tuy bánh trước và bánh sau có những vai trò khác nhau trong quá trình sử dụng, người dùng cần chú ý định kỳ bảo dưỡng cho cả hai để đảm bảo an toàn.

Nguồn: http://danviet.vn/xe360/tai-sao-2-banh-tren-xe-may-lai-co-kich-thuoc-khac-nhau-1076258.htmlNguồn: http://danviet.vn/xe360/tai-sao-2-banh-tren-xe-may-lai-co-kich-thuoc-khac-nhau-1076258.html