Sau một thời gian cộng đồng người sử dụng xe Suzuki Ertiga phản ánh về âm thanh lạ phát ra từ hộp số tự động khi sang số, phía Suzuki Việt Nam đã chính thức lên tiếng trả lời. Theo ông Aoki, Giám đốc nhà máy Suzuki, hai chức năng của xe Ertiga, bao gồm "Kickdown" và "Lock-up" là nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên.
Đầu tiên, chức năng Kickdown được trang bị trên tất cả các xe số tự động (AT) của tất cả các hãng xe. Khi người lái nhấn mạnh chân ga, xe sẽ chuyển số và tăng vòng tua máy để tăng tốc. Bằng việc tăng tốc độ động cơ trước tiên, tiếp đến mô-men xoắn của động cơ tăng lên, sau đó tăng dần tốc độ.
Suzuki khẳng định hộp số của Ertiga bình thường, không có vấn đề gì về chất lượng. Ảnh: Đức Khôi.
Ở trạng thái vòng tua máy cao trước khi tốc độ tăng sẽ cảm thấy như "hụi hơi" và tiếng ồn động cơ trở nên lớn hơn.
Về Lock-up. Đây là tính năng kết nối trực tiếp động cơ và hộp số trong một số điều kiện nhất định khi xe vận hành ở số 4. Tính năng này giúp cải thiện hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu và đồng thời theo dõi tốc độ tăng tốc một cách tức thời. Khi xe AT ở trạng thái Lock-up thì âm thanh sẽ có sự thay đổi.
Ông Aoki nhấn mạnh: "Một số khách hàng có thể cảm thấy không thoải mái vì âm thanh khó chịu, nhưng đó là âm thanh của hộp số tự động Suzuki và không có vấn đề gì về chất lượng".
Chiếc Suzuki Ertiga gặp nạn tại Cà Mau.
Cùng với đó, hãng xe Nhật Bản cũng đứng ra trả lời về trường hợp ô tô Suzuki Ertiga của một khách hàng ở Cà Mau phải sửa chữa gần một năm. Cụ thể, xe gặp nạn ngày 18/11/2019, rơi vào vùng nước ngập mặn. Đến ngày 25/3/2020, phía công ty bảo hiểm mới đồng ý sửa chữa sau 2 lần Suzuki gửi báo giá. Ngày 31/3, khách hàng đồng ý sửa chữa.
Thời gian sửa chữa kéo dài đúng 5 tháng, ngày 31/8, chiếc xe hoàn thiện và 15/9, bảo hiểm kiểm tra xe lần cuối.
Theo đó, quá trình đưa chiếc xe trở về nguyên trạng bị kéo dài chủ yếu là do thời gian đàm phám với công ty bảo hiểm lên tới 4 tháng và sửa chữa kéo dài 5 tháng. Nói về việc sửa chữa chậm trễ, ông Toshiyuki Takahara, Tổng Giám đốc Suzuki Việt Nam cho biết, lý do là bởi phía xưởng dịch vụ thiếu phụ tùng thay thế. Giai đoạn ấy, phụ tùng chậm về Việt Nam là vì nhà máy Indonesia đóng cửa do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Một số phụ tùng mất đến 29 ngày để về tới Việt Nam.
Bên cạnh đó, khâu kiểm tra các thiết bị và hệ thống dây điện mất rất nhiều thời gian vì xe rơi vào vùng nước ngập mặn, nước len lỏi vào các ngóc ngách khiến các bộ phận bên trong bị gỉ sét. Các kỹ thuật viên phải kiểm tra rất kỹ. Phía bảo hiểm không chấp nhận thay trần, ghế, thảm nên phía xưởng đã phải vệ sinh lại toàn bộ, đánh bay mùi và vết bẩn.
Ông Toshiyuki Takahara, Tổng Giám đốc Suzuki Việt Nam, đứng ra nhận lỗi về quá trình sửa chữa chậm trễ, và cam kết tăng lượng phụ tùng lưu kho trong nước, đủ cung cấp phụ tùng tại Việt Nam, bất chấp gặp phải những yếu tố không mong muốn như đại dịch Covid-19 trong tương lai.
Cùng với đó, ông cũng nói thêm rằng, trường hợp xe của khách hàng rơi vào vùng nước ngập mặn và hư hỏng nặng, phía Suzuki khuyến khích khách hàng mua xe mới để đảm bảo an toàn, do lo ngại vấn đề gỉ sét về lâu về dài. Hơn nữa, thời gian để đưa chiếc xe về nguyên trạng cũng mất rất nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, phía Suzuki cũng cho biết hãng liên tục tăng lượng phụ tùng lưu kho tại Việt Nam. Hiện tại, hãng xe Nhật Bản có 2 kho tùng, một kho chính đặt tại Đồng Nai, và một kho đặt tại Hà Nội. Kho phụ tùng chính đang lưu kho 451.400 phụ tùng xe Suzuki, trong đó có 16.085 chủng loại. Còn kho phụ tùng ở Hà Nội đang di dời để tăng công suất lưu trữ.
Phía Suzuki cho biết, nhờ kho lưu trữ, các xưởng dịch vụ ở Hà Nội và TP.HCM sẽ nhận được phụ tùng trong ngày nếu có yêu cầu tới kho trước 8 giờ sáng. Thời gian để giao phụ tùng trung bình 1-3 ngày, và tối đa 7 ngày.
Trong 3 năm trở lại đây, giá phụ tùng của ô tô Suzuki đã giảm trung bình 41%. Và chi phí bảo dưỡng xe Ertiga, Ciaz cùng Swift giảm lần lượt 40%, 48% và 47%.