Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam và Doanh nghiệp Dịch vụ Logistic Việt Nam vừa kiến nghị với Thủ tướng có làn kiểm định riêng với xe dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải thuộc diện được giãn chu kỳ đăng kiểm. Cụ thể ngày 26/4, hai hiệp hội vận tải là Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistic Việt Nam (VLA) và Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam (VATA) đã kiến nghị Thủ Tướng phương án giải quyết ách tắc trong kiểm định.
Theo đó hai hiệp hội kiến nghị cho phép chủ xe dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải khi hết hạn kiểm định của chu kỳ hiện tại không cần đưa xe đến trung tâm đăng kiểm. Thay vào đó, chủ xe chỉ cần mang giấy đăng ký và sổ kiểm định đến trung tâm để cập nhật dữ liệu và nhận tem kiểm định mới, phù hợp thời gian được gia hạn.
Chủ tịch VATA cho rằng, đơn vị đăng kiểm chỉ cần bố trí một làn riêng đón tiếp và cập nhật hồ sơ xe được giãn chu kỳ, tách biệt với làn phương tiện kiểm định. Như vậy, số lượng xe sẽ giảm, tránh ùn tắc tại đơn vị đăng kiểm.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam thì trong thời gian tới sẽ có 3.1 triệu xe không kinh doanh vận tải được giãn chu kỳ kiểm định, nhưng phải đến chu kỳ kiểm định tiếp theo mới được thực hiện quy định này. Do vậy số lượng phương tiện đến kỳ kiểm định hiện nay và trong thời gian tới là rất lớn, tình trạng quá tải tại các trạm đăng kiểm vẫn không suy giảm.
Mặc dù Cục Đăng kiểm đã phát triển phần mềm TTDK và áp dụng vào đăng kiểm trực tuyến, nhưng giải pháp chỉ giải quyết được số lượng xe xếp hàng tại các trung tâm giảm đi, chứ không giải quyết được tình trạng quá tải đăng kiểm vì thực tế số lượng xe tới hạn đăng kiểm trong tháng 4 và tháng 5 là rất lớn.
Trước đó vào ngày 21/3, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 02/2023 cho phép xe chưa qua sử dụng được miễn đăng kiểm lần đầu và giãn chu kỳ cho nhiều loại xe. Cụ thể hơn, xe chở người dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải sản xuất đến 7 năm được miễn đăng kiểm trong 36 tháng, chu kỳ kiểm định định kỳ là 24 tháng, xe sản xuất từ 7 đến 20 năm chu kỳ định kỳ 12 tháng, xe trên 20 năm chu kỳ là 6 tháng. Thời gian sản xuất đến 7 năm (đã sản xuất được 7 năm), chu kỳ tăng từ 18 tháng lên 24 tháng và trên 7 năm đến 20 năm chu kỳ giữ nguyên 12 tháng.