Những tác động trái chiều từ việc cấm xe máy vào nội đô ở Trung Quốc

Người nghèo thêm gánh nặng tài chính cho việc đi lại, người có điều kiện mua nhiều ô tô hơn khiến tiêu thụ nhiên liệu tăng và nguy cơ ùn tắc cao…là những tác động không mong muốn từ chính sách hạn chế, rồi cấm xe máy vào nội đô nhiều thành phố của nước này trong suốt hơn 30 năm.
Chia sẻ

Hạn chế và cấm xe máy ở nhiều thành phố của Trung Quốc diễn ra trong hơn 3 thập nhiên qua, là nhằm đạt được các mục tiêu chính trong việc giảm tai nạn giao thông. Giống như ở nhiều nơi, xe máy ở Trung Quốc từ lâu đượcc ho là phương tiện cá nhân giá rẻ, linh hoạt và tiện lợi. Vì thế xe máy đã trở thành phương tiện giao thông đi lại phổ biến và có vai trò quan trọng trong đời sống của hàng chục triệu dân của các gia đình Trung Quốc.

Những tác động trái chiều từ việc cấm xe máy vào nội đô ở Trung Quốc - 1

Theo nghiên cứu năm 2020 của các chuyên gia từ một số trường đại học của Trung Quốc cho biết, đã có hơn 100 triệu xe máy hoạt động ở Trung Quốc vào năm 2014, gấp 500 lần so với số lượng xe máy hoạt động vào năm 1981. Xe máy được nhiều người Trung Quốc yêu thích vì rẻ hơn và linh hoạt hơn xe ô tô, tiện lợi hơn và giúp họ ít phụ thuộc vào phương tiện công cộng.

Tuy nhiên, lượng xe máy quá lớn đã kéo theo rất nhiều vấn đề, nhất là tai nạn giao thông. Ngoài ra gia tăng sử dụng xe máy cũng là một trong những nguyên nhân làm cho ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, và cả việc sử dụng xe máy đi cướp giật cũng gia tăng trên đường phố.

Để giảm thiểu các vấn đề liên quan tới xe máy, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng các chính sách hạn chế sử dụng xe máy. Đó là các quy định về việc ngừng đăng ký xe máy mới, cấm xe máy hoạt động ở các tuyến phố chính hoặc ở khu vực trung tâm, cũng như việc cấm các lái xe máy từ tỉnh lẻ đi vào trung tâm thành phố.

Những tác động trái chiều từ việc cấm xe máy vào nội đô ở Trung Quốc - 3

Điển hình nhất cho việc thực hiện chính sách này là việc cấm hoàn toàn sử dụng xe máy ở toàn bộ thành phố được áp dụng tại thủ đô Bắc Kinh vào năm 1985. Đầu những năm 1990, nhiều thành phố đã học tập theo mô hình của Bắc Kinh, và tới nay đã có khonagr 185 thành phố của Trung Quốc áp dụng chính sách cấm sử dụng xe máy.

Tổng kết từ các nhà hoạch định chính sách của nước này cho biết, việc cấm xe máy đem lại hai lợi ích lớn. Thứ nhất, giúp cho việc hạn chế các vụ tai nạn giao thông và nạn cướp giật bằng việc sử dụng xe máy làm phương tiện diễn ra trong nội đô thành phố. Thứ hai, thúc đẩy việc sử dụng các hình thức di chuyển khác thân thiện với môi trường hơn như đi bộ, đạp xe hoặc sử dụng giao thông công cộng.

Một số chuyên gia Trung Quốc tin rằng cấm xe máy sẽ tăng áp lực lên các cơ quan chính phủ của nước này để cải thiện hệ thống giao thông công cộng. Lí do vì hầu hết người đi xe máy sẽ chuyển sang sử dụng xe buýt khi lệnh cấm xe máy được ban hành.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, việc cấm xe máy cũng dẫn tới những tác động không như mong muốn. Cấm xe máy làm gia tăng gánh nặng tài chính cho người nghèo, nhất là những người lao động phổ thông, nhập cư ở các thành phố lớn. Do không có đăng ký hộ khẩu và gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ như thẻ xe buýt, những người này buộc phải chuyển sang đi bộ khi không được sử dụng xe máy nữa.

Những tác động trái chiều từ việc cấm xe máy vào nội đô ở Trung Quốc - 4

Không những thế, nhiều người đi xe máy, thay vì đi phương tiện công cộng, lại chuyển sang đi xe ô tô. Tình trạng này khiến cho việc tiêu thụ nhiên liệu gia tăng và đi kèm với đấy là việc phát thải khí có hại ra môi trường tăng theo. Thực tế cũng cho thấy nhiều ô tô di chuyển trên đường đông đúc cũng khiến cho nguy ơ ùn tắc tăng cao, vì ô tô không dễ di chuyển linh hoạt như xe máy.

Các nghiên cứu tin rằng, nếu chỉ sử dụng chính sách cấm xe máy thì không thể giải quyết được các thách thức về giao thông đô thị mà nhiều thành phố ở Trung Quốc hiện đang phải đối diện. Họ cho rằng, cùng với cấm xe máy thì các nhà chức trách phải tăng thêm sự hấp dẫn của các phương tiện công cộng bằng việc tối ưu hóa các tuyến đường, xây dựng các tuyến tàu điện ngầm và áp dụng các chính sách an sinh hợp lý. Đạp xe cũng cần được khuyến khích với các dịch vụ xe đạp chia sẻ, có làn đường riêng và hỗ trợ cho người dân sử dụng xe đạp.

Nguồn: http://danviet.vn/nhung-tac-dong-trai-chieu-tu-viec-cam-xe-may-vao-noi-do-o-trung-quoc-502022251...