Người uống rượu, bia bị cấm lái xe từ năm 2020

Người uống rượu bia sẽ bị cấm điều khiển phương tiện giao thông từ 1/1/2020 khi luật phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia 2019 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 tới. Đáng chú ý tại Điều 5 của Luật này, có 13 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều này có nghĩa là tất cả hành vi lái xe khi đã uống rượu, bia đều bị nghiêm cấm hoàn toàn, cho dù là uống ít hay uống nhiều, cho dù là đi xe đạp hay lái ô tô, xe máy.

 

Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia 2019 cũng nghiêm cấm các hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia. Cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.

Ngoài ra, các hoạt động kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng hoàn toàn bị nghiêm cấm.

 

Theo thống kê, năm 2019 toàn quốc để xảy ra trên 17.000 vụ tai nạn giao thông làm chết trên 7.600 người và bị thương trên 13.000 người. Trong đó có hơn 30% số vụ tai nạn liên quan tới rượu bia gây hậu quả nặng nề cho nhiều gia đình và cho toàn xã hội.

Điển hình trong số đó có thể kể đến vụ tai nạn thương tâm Ngày 11/4/2019 tại TP Quy Nhơn, Bình Định, tài xế N.Đ.H điều khiển xe Lexus sau khi uống rượu bia đã lao thẳng vào đám tang khiến 4 người chết và 6 người khác bị thương.

Vụ xe Lexus biển tứ quý tông vào đám tang khiến 4 người chết và 6 người bị thương
Ngày 22/4/2019, tài xế Đ.X.T sau khi uống bia đã điều khiển ô tô 7 chỗ gây tai nạn liên hoàn trên đường Láng, Hà Nội khiến một lao công thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Chứng kiến cảnh hàng ngày, hàng giờ, những chiếc “xe điên” do người say xỉn tạo nên, phóng điên cuồng trên đường phố, gây nên những cái chết đau thương hàng nghìn người đã xuống phố đi bộ kêu gọi hành động "Đã uống rượu bia- Không lái xe".

 

Vẫn còn “lỗ hổng” trong quy định xử phạt!

Dù chỉ còn vài ngày nữa quy định cấm lái xe sau khi uống rượu, bia tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức được áp dụng trên thực tế, nhưng Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ vẫn chưa được kịp thời sửa đổi để theo kịp quy định mới của Luật.

Cụ thể, Nghị định 46 mới chỉ quy định:

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở (khoản 6 Điều 5);

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở (khoản 6 Điều 6).

Trong khi đó, theo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia nêu trên, mọi trường hợp lái xe sau khi uống rượu, bia đều là phạm luật. Như vậy, pháp luật hiện hành vẫn đang trống quy định xử phạt với người lái xe máy mà có nồng độ cồn dưới 0,25 miligam/1 lít khí thở hoặc  miligam hoặc dưới 50 miligam/100 mililit máu và người đi xe đạp uống rượu, bia.

Được biết, hiện tại Bộ Giao thông Vận tải đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 46 với việc khắc phục những “lỗ hổng” nêu trên.