Theo thống kê từ Cục đăng kiểm Việt Nam, lượng xe quá hạn kiểm định trong những năm trở lại đây luôn ở trong trạng thái “báo động”. Tra cứu trực tiếp trên trang thông tin của Cục đăng kiểm, riêng hạng mục xe chưa kiểm định vượt từ 1 đến 3 tháng tại khu vực TP.HCM đã có hơn 2.800 trường hợp xe quá hạn kiểm định. Ngoài ra, có thể thấy hai thành phố lớn như: Hà Nội và TP.HCM là hai khu vực chiếm lượng xe quá hạn kiểm định cao nhất. Đặc biệt, lượng xe con và xe tải đến hạn kiểm định nhưng không đến các trung tâm đăng kiểm kiểm định chiếm số lượng nhiều nhất.
Cũng theo thông tin từ Bộ Giao thông vận tải, trong nhiều trường hợp tai nạn giao thông xảy ra, các phương tiện tham gia đều đã quá hạn kiểm định từ vài tháng, thậm chí là vài năm. Vì vậy, những chiếc xe quá hạn kiểm định được ví như “hung thần” trên đường phố và không biết sẽ “gây họa” lúc nào, từ đó dẫn đến nhiều tác hại khó lường, ảnh hưởng đến sự an toàn và tính mạng của người lái cũng như các phương tiện tham gia giao thông xung quanh.
Ảnh: minh họa
Qua đó, mức xử phạt đối với phương tiện lưu thông không đủ điều kiện hoặc không có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định) là:
Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 4 và điểm a khoản 6 Điều 16 Nghị định 46/2016/NĐ-CP như sau: “4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: c) Điều khiển xe có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 01 tháng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc);
Ảnh minh họa.
6. Ngoài việc bị phạt tiền, người Điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây: a) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 3; Khoản 4; Điểm e Khoản 5 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;” Ngoài ra tại Điểm b Khoản 8 Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định: “Điều 30. Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ
8. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: b) Đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định) nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 01 tháng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) ra tham gia giao thông”. Bên cạnh đó, căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 76 Nghị định 46/2016/NĐ-CP như sau: “Điều 76. Thủ tục xử phạt đối với chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ.
Ảnh minh họa.
3. Đối với những hành vi vi phạm mà cùng được quy định tại các điều khác nhau của Chương II Nghị định này, trong trường hợp đối tượng vi phạm trùng nhau thì xử phạt như sau: a) Hành vi quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 16, Điểm đ Khoản 1 Điều 19 và hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 8 Điều 30, trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện thì bị xử phạt theo quy định tại Điểm b Khoản 8 Điều 30 của Nghị định này;”
Như vậy, trong trường hợp này, bạn vừa là người điều khiển vừa là chủ phương tiện thì khi bạn sử dụng Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đã quá hạn đăng kiểm 2 ngày nhưng vẫn đưa phương tiện vào lưu hành thì sẽ bị xử phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng, đồng thời bị tước Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.