Trên PLO ngày 15-3, chúng tôi có bài viết Đề nghị làm rõ quy định CSGT được trích lại 70% tiền xử phạt. Bài viết sau đó đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của nhiều bạn đọc.
Để bạn đọc hiểu đúng hơn về quy định tại dự thảo, trao đổi với PLO, Luật sư (LS) Trần Văn Giới, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, nhiều người dân đang hiểu rằng việc quy định như tại dự thảo có nghĩa lực lượng cảnh sát giao thông được giữ lại 70% tiền xử phạt vi phạm hành chính và chỉ nộp về ngân sách nhà nước 30% là chưa đúng.
“Dự thảo quy định thì việc trích lại 70% được thực hiện sau khi nộp vào ngân sách nhà nước, như vậy toàn bộ tiền xử phạt vi phạm hành chính sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước sau đó mới trích lại 70% cho lực lượng CSGT”- LS Giới cho hay.
Luật sư cho rằng bạn đọc nên hiểu đúng về quy định trích lại 70% tiền xử phạt cho CSGT. Ảnh: THY NHUNG
Theo LS Trần Văn Giới, ngoài ra việc sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ bao gồm rất nhiều nội dung như: Chi cho việc mua sắm trang thiết bị, sửa chữa công cụ, phương tiện phục vụ công tác của lực lượng xử phạt; Chi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính; Chi công tác phí, chi hội nghị sơ kết, tổng kết, tập huấn công tác xử phạt vi phạm hành chính.... và nhiều khoản chi khác chứ không đơn thuần mức trích lại 70% này được sử dụng toàn bộ để bồi dưỡng cho lực lượng cảnh sát giao thông như nhiều bạn đọc vẫn đang lầm tưởng.
“Tuy nhiên, quan điểm cá nhân tôi không ủng hộ việc đưa quy định cụ thể trích 70% tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cho lực lượng CSGT như tại dự thảo Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ”- LS cho ý kiến.
Bởi các lý do được LS Giới đưa ra như sau: Thứ nhất, Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ chỉ nên điều chỉnh các vấn đề cụ thể về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Việc quy định chính sách của nhà nước trong việc bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị hiện đại, các điều kiện bảo đảm và nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của lực lượng trực tiếp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là cần thiết, tuy nhiên chỉ nên quy định chung về chính sách của nhà nước như vậy còn việc quản lý, sử dụng tiền xử phạt vi phạm hành chính cụ thể như thế nào thì nên thực hiện theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước.
"Trên thực tế thì hiện nay Luật ngân sách nhà nước 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có đầy đủ các quy định về việc phân bổ, sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính"- LS Giới dẫn chứng.
Thứ hai là Ngân sách nhà nước về nguyên tắc phải được quản lý thống nhất, tập trung dân chủ, hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch, công bằng. Việc quy định trích không thấp hơn 70% như dự thảo sẽ không đảm bảo việc sử dụng ngân sách nhà nước theo nguyên tắc quản lý thống nhất, tập trung. Không ngoại trừ có thể xảy ra trường hợp tiền trích lại lớn hơn rất nhiều so với nhu cầu chi của lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ có thể dẫn đến việc sử dụng ngân sách không tiết kiệm và không hiệu quả.
"Ngoài ra, hiện nay trong tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước đều có quy định về xử phạt vi phạm hành chính, việc chỉ mỗi lực lượng giao thông được luật định trích ít nhất 70% tiền xử phạt vi phạm hành chính theo tôi cũng sẽ là không công bằng"- LS Trần Văn Giới chia sẻ.