Theo Nghị định 30/2024 có hiệu lực từ 1/5 về quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đăng ký tại nước ngoài, do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch, phương tiện cơ giới nước ngoài là ôtô chở người có tay lái bên phải hoặc trái từ 9 chỗ trở xuống, ô tô nhà ở lưu động hoặc môtô hai bánh. Phương tiện cơ giới và người nước ngoài muốn tham gia giao thông ở Việt Nam cần thông qua công ty dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam để làm thủ tục cấp phép. Nếu đầy đủ điều kiện, Bộ Công an sẽ cấp văn bản đồng ý.
Phương tiện mang vào Việt Nam cần đáp ứng yêu cầu như xe cơ giới đường bộ có gắn biển số, có giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường. Riêng ôtô có tay lái ở bên phải cần có công hàm của cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự hoặc đại diện của tổ chức quốc tế liên Chính phủ tại Việt Nam. Công hàm sau đó gửi về Bộ Công an nêu rõ lý do.
Một điều kiện khác là phương tiện chỉ được tạm nhập, tái xuất qua cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường biển, thủy nội địa, đường sắt và hàng không. Phương tiện cần tạm nhập, tái xuất theo đúng cửa khẩu đã được Bộ Công an chấp thuận.
Theo quy định áp dụng từ năm 2013 đến nay, Bộ Giao thông Vận tải chủ trì chấp thuận việc tổ chức cho người nước ngoài mang xe vào tham gia giao thông tại Việt Nam. Thời gian được phép tham gia giao thông tại Việt Nam tối đa không quá 45 ngày, trường hợp bất khả kháng được tăng thêm không quá 10 ngày. Quy định hiện hành cho phép tối đa không quá 30 ngày.
Với người điều khiển phương tiện, điều kiện phải là người nước ngoài, có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, thị thực, giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam. Tài xế cần có giấy phép lái xe do nước ngoài cấp phù hợp với loại xe điều khiển. Về trình tự xin thủ tục cấp phép, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành gửi đến Bộ Công an bộ hồ sơ, trong đó có công văn đề nghị chấp thuận được tổ chức cho người nước ngoài mang phương tiện vào tham gia giao thông tại Việt Nam, danh sách người lái xe...
Chậm nhất sau 5 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Bộ Công an sẽ có văn bản trả lời chấp nhận hoặc không. Văn bản đồng ý của Bộ Công an được thông báo đến các Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ngoại giao, Giao thông Vận tải, Quốc phòng, Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố có liên quan để cùng quản lý.
Theo nghị định, người điều khiển phương tiện cơ giới nước ngoài khi tham gia giao thông tại Việt Nam phải có phương tiện đi trước để hướng dẫn giao thông. Phương tiện hướng dẫn là ô tô hoặc mô tô do doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam bố trí, phải gắn logo hoặc cắm cờ có biểu tượng của doanh nghiệp đó.
Khi lưu thông, tài xế phải chấp hành quy định của pháp luật về giao thông đường bộ của Việt Nam; phải mang và xuất trình khi nhà chức trách yêu cầu các giấy tờ như hộ chiếu, giấy tờ liên quan đến cư trú tại Việt Nam, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật, đăng ký xe...