Lệ phí trước bạ ô tô rục rịch giảm

Chính phủ vừa giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá tác động để xem xét việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước

Ngày 9/9, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.

Mục tiêu của Nghị quyết là tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19; hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch COVID-19.

Lệ phí trước bạ ô tô rục rịch giảm
Ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể sắp được giảm 50% phí trước bạ

Nghị quyết của Chính phủ chỉ ra 4 nhóm giải pháp chính, trong đó quyết liệt chống dịch nhưng tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi sản xuất; đảm bảo ổn định sản xuất và phân phối; tháo gỡ khó khăn tài chính cho doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia.

Trong nhóm giải pháp thứ 3, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương triển khai các chính sách về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành; xem xét, nghiên cứu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2021;

Đặc biệt, Bộ Tài chính cần nghiên cứu, đánh giá tác động để xem xét việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo thời gian phù hợp với tình hình dịch COVID-19.

Như vậy là sau yêu cầu của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc xem xét kiến nghị giảm 50% lệ phí trước bạ của doanh nghiệp, đây là lần thứ 2 Bộ Tài chính được yêu cầu xem xét nghiên cứu và đề xuất phương án giảm phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Lệ phí trước bạ ô tô rục rịch giảm
Phí trước bạ giảm, người dùng có thể tiết kiệm từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng

Hiện tại đang có diễn biến tích cực trong công tác phòng chống dịch covid 19 tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là khu vực phía Bắc, trong đó có Hà Nội. Về khu vực phía Nam, Chính phủ đã đề ra mục tiêu cơ bản kiểm soát được dịch Covid 19 trong tháng 9 này. Ngay ở thời điểm hiện tại, nhiều tỉnh thành phía Nam đã gỡ bỏ giãn cách ở các mức độ khác nhau, tích cực khôi phục sản xuất trở lại trong điều kiện bình thường mới.

Trong bối cảnh đó, nhiều khả năng lệ phí trước bạ sẽ được điều chỉnh giảm 50% kể từ đầu tháng 10 tới đến hết năm, có nghĩa là trọn 3 tháng cuối năm 2021 này. Đây là giải pháp rất khả thi, hợp lý trong bối cảnh thị trường ô tô cần một cú huých để vực dậy sau khi lao dốc tự do trong thời gian gần đây.

Đặc biệt, theo số liệu thống kê mới nhất từ cơ quan công an, trong tháng 8 vừa qua, lượng ô tô đăng ký mới trên toàn quốc chỉ đạt chưa đầy 7.000 xe, chỉ bằng 40% so với tháng 7 và khoảng 20% so với thời điểm không có dịch bệnh.

Thực tế từ cuối quý 2 đến toàn bộ quý 3, thị trường ô tô cả nước lao dốc không phanh đi cùng với những diễn biến phức tạp về dịch bệnh trên toàn quốc, đặc biệt là khu vực phía Nam. Hai thành phố lớn nhất là Hà Nội và TPHCM đều phải giãn cách xã hội trong nhiều tháng, kéo theo thị trường gần như đóng băng.

Còn nhớ, năm ngoái thị trường ô tô đã một năm thành công nhờ giải pháp tương tự là giảm 50% phí trước bạ, kéo dài cả 6 tháng cuối năm. Năm nay dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề hơn, chính phủ ưu tiên hàng đầu mục tiêu chống dịch, nên đến nay khi việc kiểm soát có dấu hiệu tích cực thì mới tính tới khả năng hỗ trợ kích cầu thị trường ô tô.

Trong khi đó, nếu không giảm phí trước bạ để kích cầu tiêu dùng từ đó kích thích sản xuất thì ngành công nghiệp ô tô – một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước, sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng, kéo theo nhiều hệ luỵ về kinh tế và xã hội.

Ở thời điểm hiện tại, một số mẫu xe đã không còn giá tốt như hồi tháng 8 nhưng còn rất nhiều xe vẫn đang ở mức giá đáy của năm. Vì thế mua xe ngay thời điểm này rồi sang tháng sau đăng ký có thể là một giải pháp tối ưu để có thể được hưởng lợi kép.