Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) vừa đề xuất Chính phủ xem xét điều chỉnh thời gian lái xe của người điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải lên 70 giờ/tuần nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo quy định hiện hành tại khoản 1 Điều 64 Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ, thời gian lái xe tối đa là 10 giờ/ngày và 48 giờ/tuần. Lái xe liên tục không quá 4 giờ và phải tuân thủ các quy định của Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, VATA cho rằng thực tế vận tải đường bộ tại Việt Nam có đặc thù riêng, với tổng số giờ lái xe trung bình khoảng 60-65 giờ/tuần đối với vận tải dưới 300 km và trên 65 giờ/tuần với vận tải đường dài.
So sánh với quy định của các quốc gia phát triển, thời gian lái xe tối đa của EU là 56 giờ/tuần, Mỹ từ 60-70 giờ/tuần, Nhật Bản 60 giờ/tuần. Do đó, quy định 48 giờ/tuần của Việt Nam được đánh giá là thấp nhất, gây ảnh hưởng đến thu nhập của tài xế (giảm 20-30%), giảm năng lực cung ứng dịch vụ vận tải (20-30%) và làm tăng chi phí logistics lên khoảng 10-11%.
Do đó, VATA kiến nghị điều chỉnh thời gian lái xe của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải lên 70 giờ/tuần, bằng với mức cao nhất theo các quy định của Mỹ, EU và Nhật Bản; chỉ xử phạt theo quy định đối với các hành vi vi phạm về vượt quá thời gian lái xe liên tục, thời gian lái xe trong ngày và thời gian lái xe trong tuần của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải trên 10%.
Ngoài ra, VATA cũng đề nghị tính thời gian lái xe cộng dồn một lần, trong ngày và trong tuần ở tốc độ tối thiểu 15km/giờ để loại bỏ đi những tình huống tắc đường kéo dài thường xuyên xảy ra ở các đô thị và trên hệ thống đường bộ Việt Nam bởi đây là những tình huống bất khả kháng cần miễn trừ trách nhiệm; tạm thời chưa áp dụng quy định về thời gian lái xe của người lái xe ôtô kinh doanh vận tải khi lưu thông trên các đường cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ.