UBND TP Hà Nội đã chấp thuận đề xuất của Sở Giao thông Vận tải về phương án thí điểm này, áp dụng với các phương tiện trên 16 chỗ, ngoại trừ xe buýt và xe đưa đón học sinh. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 1/3, khung giờ sáng từ 6h30 đến 8h30, chiều từ 16h30 đến 18h30. Sau 6 tháng triển khai, các cơ quan chức năng sẽ đánh giá hiệu quả để báo cáo thành phố quyết định phương án tiếp theo.
Phạm vi áp dụng bao gồm các tuyến đường: Hàng Giấy - Đồng Xuân - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng; Hàng Đậu - Trần Nhật Duật - Nguyễn Hữu Huân và các tuyến phố Lý Quốc Sư, Nhà Thờ, Nhà Chung, Quang Trung (đoạn từ Tràng Thi đến Nhà Chung), Ấu Triệu, Báo Khánh, Hàng Trống, ngõ Hàng Hành, ngõ Bảo Khánh.
Để hỗ trợ người dân và du khách di chuyển thuận lợi, thành phố sẽ bố trí 4 điểm trung chuyển tại các tuyến phố Bà Triệu, Trần Nhật Duật, Phùng Hưng và khu vực chợ Đồng Xuân. Các phương tiện trung chuyển sẽ không sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhằm bảo vệ môi trường.
Theo Sở Giao thông Vận tải, biện pháp này giúp giảm ùn tắc, đặc biệt trong giờ cao điểm, đồng thời cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Trước đó, cử tri quận Hoàn Kiếm đã phản ánh tình trạng ùn tắc do ôtô trên 16 chỗ, đặc biệt vào sáng sớm và chiều tối. Họ đề xuất bố trí bãi đỗ xe ngoài đê sông Hồng và tổ chức xe buýt nhỏ hoạt động vào các khung giờ cao điểm để giảm tải giao thông trong khu vực.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết quận đã đề xuất thành phố hạn chế ôtô lớn vào phố cổ, đồng thời điều chỉnh lộ trình xe buýt để giảm mật độ phương tiện. Ngoài ra, quận cũng tăng cường xe buýt nhỏ, bố trí bãi đỗ xe tại vườn hoa Nhà hát Lớn, quảng trường 1/5 và điều chỉnh một số điểm giao thông nhằm hạn chế ùn tắc.
Khu phố cổ Hà Nội có diện tích khoảng 80 ha, gồm 10 phường như Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Buồm, Hàng Mã, Cửa Đông, Đồng Xuân, Lý Thái Tổ. Hồ Gươm rộng 12 ha, bao quanh bởi các tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Hàng Khay.