Kiến nghị cho ô tô gia đình tự động giãn chu kỳ kiểm định

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vừa kiến nghị cho phép xe không kinh doanh vận tải được giãn chu kỳ kiểm định mà không phải đưa đi đăng kiểm.

Các tỉnh thành vẫn ách tắc đăng kiểm

Sáng 7/4, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - cho biết, Hiệp hội vừa có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về việc tháo gỡ khó khăn trong việc đăng kiểm đối với xe cơ giới.

Kiến nghị cho ô tô gia đình tự động giãn chu kỳ kiểm định - 1

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị cho phép xe không kinh doanh được giãn chu kỳ kiểm định ngay từ chu kỳ hiện tại mà không cần đưa xe đến trung tâm đăng kiểm.

Theo ông Quyền, sau khi Thông tư số 02/2023 của Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung một số điều (của Thông tư số 16/2021) có hiệu lực thi hành đã tác động tích cực đến hoạt động đăng kiểm xe cơ giới; đặc biệt là đối với xe cơ giới chưa qua sử dụng thuộc trường hợp được miễn kiểm định lần đầu.

Tuy nhiên, số lượng phương tiện thuộc đối tượng miễn kiểm định lần đầu mỗi năm chỉ khoảng trên 500.000 xe, do vậy nhóm phương tiện này không đủ tác động làm giảm tình trạng quá tải và ùn tắc tại các trạm đăng kiểm hiện nay.

Theo số liệu công bố của Cục Đăng kiểm Việt Nam, sẽ có 3,1 triệu xe không kinh doanh vận tải (xe mang biển trắng) được giãn chu kỳ kiểm định, nhưng phải đến chu kỳ kiểm định tiếp theo mới được thực hiện quy định này. Do vậy số lượng phương tiện đến kỳ kiểm định hiện nay và trong thời gian tới là rất lớn, tình trạng quá tải tại các trạm đăng kiểm vẫn không suy giảm.

Theo phản ánh, tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước vẫn xảy ra tình trạng ách tắc, phương tiện chờ đợi xếp thành hàng dài tại các trạm đăng kiểm, nhiều phương tiện phải chờ đợi nhiều ngày mới được thực hiện đăng kiểm, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đi lại của người dân.

"Để tháo gỡ khó khăn trong việc đăng kiểm xe cơ giới, đặc biệt các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ bằng xe ô tô, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT cho phép thực hiện giãn chu kỳ kiểm định đối với xe không kinh doanh vận tải ngay từ chu kỳ đăng kiểm hiện tại", ông Quyền nói.

Về vấn đề này, trước đó, ông Nguyễn Tô An-Phó Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam cho biết, Thông tư số 02/2023 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không có giá trị hồi tố.

Các phương tiện sắp đến hạn đăng kiểm vẫn phải đến các đơn vị đăng kiểm để thực hiện kiểm định theo quy định và sẽ được áp dụng chu kỳ đăng kiểm mới, tuỳ theo từng loại xe.

Bộ GTVT vẫn tìm giải pháp gỡ khó

Tại báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong quý I, tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm, đặc biệt tại TPHCM và Hà Nội diễn ra nghiêm trọng do thiếu hụt nguồn nhân lực, dẫn đến tình trạng trong tháng 3 xe đi đăng kiểm tại nhiều nơi (đặc biệt tại khu vực Hà Nội) phải xếp hàng dài mới đến lượt.

Bộ GTVT chủ động nắm bắt tình hình, chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện nhiều giải pháp để duy trì hoạt động đăng kiểm, gấp rút bổ sung nhân sự để bù đắp cho sự thiếu hụt nhân sự.

Bộ trưởng GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ Quốc phòng hỗ trợ lực lượng, Bộ Công an đã hỗ trợ 100 chiến sĩ CSGT, Bộ Quốc phòng đã hỗ trợ 40 đăng kiểm viên quân đội.

Hiện, Bộ GTVT vẫn đang tập trung tháo gỡ khó khăn trong công tác kiểm định xe cơ giới; tiếp tục kế hoạch tăng cường đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ để phục vụ nhu cầu kiểm định của người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới.

Tính đến 12/3/2023, số lượng các trung tâm đăng kiểm trên cả nước còn hoạt động là 220/281, với 384/489 dây chuyền kiểm định, chiếm 78% năng lực kiểm định toàn hệ thống; 61 trung tâm với 105 dây chuyền dừng hoạt động, chiếm 22% năng lực kiểm định toàn hệ thống. Trong đó 53 trung tâm đăng kiểm dừng hoạt động để phục vụ điều tra, 8 trung tâm dừng hoạt động do không đủ điều kiện theo Nghị định 139/2018/NĐ-CP hoặc tự đóng cửa..