Đắt khách dịch vụ lái xe hộ

Ngay sau khi lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, dịch vụ đưa người đã uống rượu bia về nhà trở nên hút khách.
Đắt khách dịch vụ lái xe hộ - Ảnh 1.

Nhiều người sử dụng dịch vụ lái xe hộ sau khi đã uống rượu, bia.

Thời gian qua, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn. Sau hơn 1 tháng ra quân, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý hàng nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Với sự quyết liệt của lực lượng chức năng trong việc xử lý người uống rượu bia khi lái xe, nhiều người dân từ việc tự mình lái xe đi nhậu nay chuyển sang sử dụng các dịch vụ như Grab, taxi, xe ôm… đặc biệt là dịch vụ lái xe hộ về nhà.

Anh Nguyễn Anh Tuấn (trú TP Huế) cho biết, do tính chất công việc nên thường xuyên phải tự mình lái xe ô tô đi tiếp khách. Ngoài là phương tiện, chiếc xe còn là “bộ mặt” của mình trước đối tác. Do đó, mặc dù rất bất tiện khi lái xe nhưng anh Tuấn vẫn phải chấp nhận. Tuy nhiên, kể từ khi có dịch vụ lái xe hộ đưa người say về nhà đã trở thành “bạn đồng hành” của anh sau mỗi lần tiếp khách.

“Dịch vụ này tuy còn rất mới ở Huế, nhưng sau 1 lần trải nghiệm, bản thân cảm thấy rất thích thú. Thật sự từ khi có dịch vụ này mình rất yên tâm mỗi khi đi gặp đối tác hay bạn bè. Bởi lẽ, tôi rất ý thức được việc một khi đã uống rượu bia thì không nên lái xe, ngoài bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho bản thân, gia đình, mà còn bảo đảm an toàn cho người tham gia thông” - anh Tuấn tâm sự.

Mặc dù chưa phổ biến như ở các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước, thế nhưng dịch vụ lái xe hộ đưa người đã uống rượu bia về nhà tại Thừa Thiên Huế bắt đầu xuất hiện và hoạt động khá hiệu quả, bước đầu mang lại thu nhập và ổn định cho người làm dịch vụ.

Trò chuyện với phóng viên, anh Nguyễn Duy Lực (40 tuổi, trú tại phường Vỹ Dạ, TP Huế, trưởng nhóm lái xe hộ) cho biết, xuất phát từ việc bản thân anh bị phạt nồng độ cồn vào năm 2017 ở mức cao với số tiền lớn nên anh rất hiểu. Sau lần đó, anh Lực đã triển khai dịch vụ lái xe hộ đưa người đã uống rượu, bia về nhà. Nhưng lúc ấy, dịch vụ này không được mọi người quan tâm. “Đến thời điểm tháng 3/2023, khi lực lượng chức năng quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn thì dịch vụ lái xe hộ bắt đầu nở rộ” - anh Lực nói.

Theo anh Lực, nhóm của anh gồm 6 người, hoạt động từ 18h tối đến khoảng 0h. Khi nhận được cuộc gọi từ khách, nhóm sẽ cử tài xế tới địa điểm để điều khiển phương tiện và đưa khách về nhà. Trung bình, mỗi đêm các thành viên trong nhóm sẽ lái xe, đưa khoảng 9 vị khách về nhà an toàn. “Với mức phí khoảng 150.000 đồng/1 chuyến cho quãng đường 5km (với quãng đường dài thì chi phí sẽ khác nhau) sau 1 tháng hoạt động, mỗi thành viên trong nhóm đều thu lại được một khoản thu nhập khá. Hy vọng, dịch vụ này sẽ càng phát triển trong thời gian tới. Đây không chỉ là một dịch vụ đơn thuần mà nó còn tạo ra cho người dân thói quen đã uống rượu bia là không lái xe, nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội” - anh Lực chia sẻ.

Trong khi đó, anh Lương Văn Thành (30 tuổi, trú TP Huế) cho biết, anh triển khai dịch vụ lái xe hộ cũng được một thời gian. “Trước khi lên xe, chúng tôi sẽ chụp ảnh xe để trong trường hợp sau khi giao xe, khách phàn nàn thì có bằng chứng để đối chứng. Chúng tôi làm việc luôn đặt sự an toàn về tính mạng và tài sản của khách lên hàng đầu trong mỗi chuyến xe” - anh Thành tâm sự.

Đại úy Lê Tự Hiếu - Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, trật tự Công an TP Huế cho biết, từ khi các lực lượng tăng cường xử lý các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, tình hình trật tự an toàn giao thông đã được đảm bảo tốt hơn, tai nạn giao thông giảm ở cả 3 tiêu chí gồm số vụ, số người chết và số người bị thương.

“Đa số người dân đã chấp hành tốt, tuân thủ luật giao thông đường bộ, nhiều người sau khi uống rượu bia thường để lại xe ở quán và gọi người nhà tới đón hoặc sử dụng các dịch vụ lái xe hộ hay đi Grab… để đưa về nhà” - Đại úy Lê Tự Hiếu thông tin.