Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ, ngành và cơ quan liên quan lấy ý kiến về việc tiếp tục giảm lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 1-8-2024 đến hết 31-1-2025 nhằm góp phần kích thích tiêu dùng, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN).
Chưa vội mua xe
Theo ghi nhận của phóng viên, đa phần khách hàng đang có tâm lý thăm dò, chờ đợi thời điểm chính thức giảm LPTB để có thể sở hữu ô tô với giá "mềm" hơn.
Anh Hoàng Minh Thái, phụ trách kinh doanh một đại lý ô tô của hãng Hyundai tại TP HCM, cho biết nhiều khách muốn mua xe trong thời điểm này nhưng vẫn chần chừ bởi muốn "nghe ngóng" thêm. Tương tự, nhân viên đại lý ô tô KIA tại TP Thủ Đức (TP HCM) kể có khách hàng đặt cọc chiếc KIA Seltos, dự kiến lấy xe vào đầu tháng 7-2024 song cách đây ít ngày đã yêu cầu chuyển thời gian nhận xe sang tháng 8 để được hưởng ưu đãi giảm 50% LPTB.
Theo tính toán, với một số mẫu hạng A như KIA Morning, Hyundai i10, ở bản cao cấp có tầm giá khoảng 430 triệu đồng/chiếc, khách hàng sẽ được giảm khoảng 21 triệu đồng nếu giảm 50% LPTB.
Còn với xe hạng B, nếu chọn bản cao như Honda City với giá 609 triệu đồng/chiếc, khách được lợi hơn 30 triệu đồng. Với hạng C, nếu chọn bản cao của mẫu Mazda 3 có giá gần 730 triệu đồng/chiếc, khách hàng được giảm đến gần 40 triệu đồng.
Với những mẫu xe sang được sản xuất, lắp ráp trong nước, số tiền mà khách hàng được hưởng lợi tương ứng mức hỗ trợ 50% LPTB là khá cao. Chiếc E300 AMG của Mercedes Benz có giá gốc 3,209 tỉ đồng/chiếc, đang được hãng giảm mạnh còn khoảng 2,9 tỉ đồng.
Với mức giá bán này, nếu được giảm 50% LPTB, người mua sẽ được hưởng lợi khoảng 150 triệu đồng. Nếu chọn mẫu xe có giá bán thấp nhất của hãng Mercedes Benz là C200 với giá 1,5 tỉ đồng, mức giảm LPTB tương ứng là 75 triệu đồng. Với những mẫu "siêu sang" có giá tầm 5 tỉ đồng/chiếc, số tiền LPTB được giảm có thể lên tới 250 triệu đồng.
Đáng chú ý, nhiều hãng xe còn thông tin kế hoạch giảm thêm 50% LPTB - ngoài phần nhà nước ưu đãi - để kích thích sức mua, giải phóng nguồn hàng tồn hiện khá lớn và giúp thị trường ô tô thêm sôi động trong những tháng cuối năm.
Kỳ vọng vào sức mua cuối năm
Ông Đào Công Quyết, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), nhận định việc giảm LPTB là vô cùng cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, sức mua ô tô sụt giảm. "Chính sách này cần được áp dụng sớm để giúp thị trường ô tô sớm phục hồi tốt, nếu không thì sức mua vẫn chưa thể được cải thiện.
Hơn nữa, chính sách giảm LPTB với ô tô nội địa không chỉ có ý nghĩa với ngành sản xuất trong nước mà còn thúc đẩy toàn thị trường ô tô phát triển, bao gồm cả xe nhập khẩu. Thời điểm áp dụng ưu đãi 50% LPTB trùng với dịp Tết âm lịch nên có thể kỳ vọng thị trường cuối năm càng sôi động hơn" - ông Quyết nói.
Theo ông Phạm Quang Thắng, Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Ô tô Hà Nội, những đợt giảm LPTB đối với ô tô sản xuất trong nước trước đây là "liều doping" kích thích sức mua tăng đáng kể.
Ngay cả những hãng xe nhập khẩu cũng phải chạy đua giảm LPTB để cạnh tranh thị phần. Những thời điểm đó, các hãng xe có nhiều mẫu lắp ráp trong nước như KIA, Hyundai đã ghi nhận doanh số tăng mạnh 50%-100% so với những tháng không có ưu đãi.
Ông Đỗ Quý Cường, Trưởng Phòng Cấp cao quản lý sản phẩm Mercedes Benz, tiết lộ giai đoạn 2021-2022, chính sách giảm LPTB đã thúc đẩy sức mua của hãng tăng gấp đôi; còn đợt giảm LPTB năm 2023 cũng giúp tăng doanh số 50%-60%. Hãng xe này kỳ vọng nếu chính sách giảm LPTB được triển khai từ ngày 1-8 sắp tới, sức tiêu thụ có thể tăng 40%-50% so với những tháng trước đó.
Chỉ giải quyết được "phần ngọn"
Theo đại diện Toyota Việt Nam, giảm LPTB sẽ kích thích nhu cầu mua sắm ô tô song trong thời gian chờ đợi chính sách được thông qua, thị trường có thể chững lại do khách hàng không muốn bị thiệt khi mua sớm hơn thời điểm chính sách chính thức có hiệu lực. "Giảm LPTB sẽ giúp cho thị trường ô tô cuối năm tốt hơn so với những tháng đầu năm nhưng khó kỳ vọng sức mua phục hồi mạnh mẽ" - đại diện hãng xe này nhìn nhận.
Đại diện Ford Việt Nam đánh giá việc giảm LPTB dù có ý nghĩa hỗ trợ tích cực cho thị trường song chỉ giải quyết được "phần ngọn", có tính chất ngắn hạn. Để thị trường phát triển trong dài hạn, cần có chính sách đồng bộ về thuế, phí, chi phí sản xuất - kinh doanh... thì mới có thể thúc đẩy phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.