Doanh số bán hàng của các thành viên VAMA cho đến hết tháng 8/2020 chỉ còn giảm 24% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 145.689 chiếc. Xe du lịch có doanh số sụt giảm cao hơn doanh số xe thương mại, với mức giảm 25%và sản lượng bán hàng chỉ đạt 106.689 chiếc.
Nguyên nhân đến từ việc thu nhập của người dân sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chi tiêu cho những nhu cầu không thiết yếu đã bị trì hoãn. Trong khi đó, doanh số xe thương mại giảm nhẹ hơn với mức giảm 20% (đạt 37.432 chiếc) khi Chính phủ tích cực tạo điều kiện cho các ngành sản xuất và khai thác hoạt động "bình thường" nhất có thể.
Tính theo nguồn gốc xuất xứ, đến hết tháng 8/2020, lượng xe lắp ráp trong nước bán ra giảm 19% (còn 96.473 chiếc) trong khi xe nhập khẩu giảm mạnh hơn với 33% (còn 55.430 chiếc) so với cùng kỳ năm 2019. Tốc độ giảm của xe lắp ráp trong nước thấp hơn xe nhập khẩu nhờ Nghị định 70/2020/NĐ-CP về giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có hiệu lực từ ngày 28/6/2020. Nghị định trên đã phần nào giúp giảm chi phí mua xe lắp ráp trong nước, từ đó nâng cao nhu cầu của người dân.
Theo thị phần, Thaco tiếp tục là công ty có thị phần lớn nhất với 34,3%. Tiếp sau vẫn là các thương hiệu đến từ Nhật Bản như Toyota (23,8%), Honda (10,2%) và Mitsubishi (10,1%). Bên cạnh đó, hãng Ford tiếp tục "thống lĩnh" phân khúc xe bán tải và hiện đứng ở vị trí thứ 5 với 8,7%.
Theo nhận định của Rồng Việt, từ nay đến hết năm 2020, ngành công nghiệp ô tô nội địa sẽ tiếp tục hưởng lợi từ 3 chính sách.
Thứ nhất, Nghị định 70/2020/NĐ-CP về giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Chính sách trên sẽ có hiệu lực từ ngày 28/6/2020 đến 31/12/2020.
Thứ hai, từ ngày 10/7/2020, Nghị định 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP cho phép các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước (mà đạt chuẩn – hiện đã có 9 đơn vị đủ điều kiện như Toyota, Thaco, TC Motor, Hyundai) sẽ được hưởng thuế nhập khẩu 0% đối với nguyên liệu, linh kiện, vật tư trong nước chưa sản xuất được. Từ đó giúp chi phí sản xuất giảm 2-2,5%.
Thứ ba, Chính phủ cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đối với các khoản phải nộp phát sinh từ tháng 3 đến hết 31/12/2020.
Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, các chính sách trên sẽ giúp chi phí sản xuất và chi phí dịch vụ giảm, từ đó làm giảm tổng chi phí mua xe, kích thích nhu cầu mua xe của người dân. Cùng với đó, GDP quý 3/2020 tăng trưởng ở mức 2,62% sau khi chỉ tăng trưởng 0,39% trong quý 2/2020 đã cho thấy sự hồi phục của nền kinh tế cũng như thu nhập của người dân. Thực tế, doanh số bán hàng xe ô tô lắp ráp nội địa đã có sự tăng trưởng trong các tháng 7 và 8 sau khi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ có hiệu lực. Rồng Việt dự kiến doanh số xe ô tô sẽ tiếp tục phục hồi trong quý 4 năm 2020 và năm 2021.
Ngược lại, chứng khoán Rồng Việt cũng nhận định, thị trường ô tô cũng sẽ có thách thức. 8 tháng đầu năm nay đã không có tình trạng dư cung như những năm trước nhưng giá bán vẫn giảm do các bên nỗ lực thu hút khách hàng trong bối cảnh nhu cầu mua xe thấp. Rồng Việt dự kiến tổng cung quý 4 sẽ đạt 127.000 chiếc, trong khi tổng cầu vào khoảng 122.000 chiếc. Vậy nên, dư lượng tồn kho năm nay không nhiều, chỉ tầm 4.000 chiếc.
Tuy nhiên, lượng tồn kho năm 2019 là tương đối lớn với khoảng 85.000 chiếc (chiếm 17% tổng nguồn cung năm 2019) nên áp lực thanh lý hàng tồn kho hiện tại vẫn đang ở mức cao. Do đó, trong thời gian tới các đại lý phân phối xe ô tô vẫn sẽ phải giảm giá bán để thu hút khách hàng. Điều này sẽ khiến biên lợi nhuận gộp của các công ty sụt giảm. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp nhìn chung vẫn sẽ tăng trưởng nhờ doanh số bán hàng tăng. Ngoài ra, lực cầu phục hồi cũng sẽ giúp các công ty tiết kiệm chi phí bán hàng.
Sang năm 2021, chí phí xe lắp ráp trong nước thấp hơn (nhờ chính sách ưu đãi thuế với nguyên liệu, linh kiện, vật tư nhập khẩu) có thể sẽ hỗ trợ cho giá bán. Trong khi đó, sản lượng có thể sẽ tăng khi nền kinh tế vận hành bình thường trở lại.