Hà Nội thu phí ô tô vào nội đô: Xe nào được miễn, giảm phí?

Theo đề xuất sẽ có 3 nhóm xe được miễn, giảm phí là xe ưu tiên, xe ưu tiên có điều kiện và xe khách công cộng
Hà Nội thu phí ô tô vào nội đô: Xe nào được miễn, giảm phí?

Đơn vị tư vấn vừa xây dựng và trình Sở Giao thông vận tải Hà Nội địa điểm sẽ lập 87 trạm thu phí phương tiện (ôtô) vào nội đô. Về lộ trình thực hiện, đơn vị tư vấn đưa ra lộ trình triển khai từ nay đến năm 2024, thu phí xe vào nội đô từ năm 2025. Ranh giới để xác định khu vực thu phí được giới hạn bởi các đường: Vành đai 3 - Cầu Thanh trì - Pháp vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Tây Hồ Tây - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Hoàng Sa - Trường Sa - Lý Sơn - Nguyễn Văn Linh - Vành đai 3.

Để lập 87 trạm thu phí trên, đơn vị tư vấn xác định 68 vị trí và thực hiện thu phí; phân làm ba giai đoạn. Giai đoạn 1: Đơn vị được giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng thí điểm 15 trạm thu phí tại 9 vị trí. Các vị trí này nằm trên các trục đường nội đô có lưu lượng lớn dễ xảy ra ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Giai đoạn 2: Đầu tư xây dựng 59 trạm thu phí tại 46 vị trí. Giai đoạn 3: Đầu tư xây dựng 13 trạm thu phí tại 13 vị trí.

Liên quan đến mức phí thu vào nội đô, chia sẻ với báo chí, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, trên cơ sở khái toán kinh phí đầu tư và chi phí vận hành bảo trì hệ thống thu phí, được xác định dựa số liệu thu phí của Tổng cục Đường bộ VN và đếm lưu lượng. Dự kiến mức thu phí thấp nhất đủ bù đắp chi phí đầu tư và chi phí quản lý, vận hành khoảng 50.000 đồng. Mức cao nhất dự kiến 100.000 đồng/ lượt.

Cũng theo ông Viện, đối tượng thu phí là các xe ô tô di chuyển từ bên ngoài vào trong khu vực thu phí có nguy cơ ùn tắc giao thông, trừ các phương tiện được miễn phí như: xe ưu tiên theo quy định hiện hành, xe công an, quân đội, xe cứu thương, xe cứu hỏa; xe công vụ; xe buýt công cộng, xe ô tô vận tải hàng hóa,...

Các phương tiện được miễn phí có điều kiện gồm: xe hộ gia đình và xe ô tô của cơ quan công sở trong khu vực thu phí bắt buộc phải đi lại qua khu vực thu phí được miễn phí theo lượt nhất định.

Các đối tượng được giảm phí gồm: xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách (xe hợp đồng, xe du lịch, taxi).

Theo khảo sát của phóng viên, nhiều người dân tỏ ra lo lắng với đề án lập chốt thu phí vào nội đô của Hà Nội. Theo đó, các ý kiến này cho rằng, đi lại là nhu cầu thiết yếu và là quyền lợi của người dân. Hơn nữa, chủ yếu việc đi lại vào nội đô của người dân là để giải quyết công việc, mưu sinh, thực hiện những việc cần thiết. Do đó, dù có thu phí thì người dân vẫn đi lại nhiều. Như vậy, mục đích thu phí người dân để giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường là phi thực tế.

Liên quan đến dự án này, lãnh đạo Sở GTVT TP Hà Nội cho biết, các vị trí đơn vị tư vấn lập ra mới chỉ là những dự thảo, đề xuất. Sau khi nhận phương án, Sở còn phải tiến hành rà soát, đánh giá, nghiên cứu và đề xuất thành phố.

Đến năm 2030, Hà Nội dự định sẽ dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành. Tuy nhiên, do số lượng ô tô hiện nay đang tăng cao hơn cả xe máy, mỗi năm thêm 10,2%, nên việc Sở GTVT TP Hà Nội đưa ra phương án thu phí vào nội đô để giảm lượng ô tô trong khu vực trung tâm là rất cần thiết.