![]() |
Tại toạ đàm "Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô" diễn ra chiều ngày 15/7, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: "Tình trạng ô nhiễm của Hà Nội rất cấp bách, đe doạ trực tiếp tới chất lượng sống, sức khoẻ của người dân. Đây là một thách thức ảnh hướng tới mục tiêu phát triển của Hà Nội. Riêng ô nhiễm không khí là thách thức rất lớn".
Theo ông, một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm đến từ phương tiện giao thông vận tải sử dụng xăng, dầu. Trong khi đó, xu hướng hiện đại là sử dụng phương tiện xanh, sạch, nguyên liệu điện, khí. Phương tiện công cộng như xe buýt, đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao đều đang được chuyển sang sử dụng nhiên liệu điện.
Hiện, dân số Hà Nội khoảng 8,5 triệu người, có trên 8 triệu phương tiện, trong đó hơn 1 triệu ôtô, 6,9 triệu chiếc xe máy. Riêng khu vực Vành đai 1, số lượng xe máy lên tới 450.000 xe, dân số trong khu vực này chỉ khoảng 600.000.
Chỉ thị 20 nêu rõ đến ngày 1/7/2026, không lưu hành xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu) mà chuyển sang sử dụng phương tiện sạch, xanh. Đến ngày 1/1/2028, trong Vành đai 1 không sử dụng mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch và hạn chế ô tô trong vành đai 1 và 2.
Để triển khai việc này, Phó Chủ tịch Hà Nội cho biết thành phố sẽ nghiên cứu những chương trình, kế hoạch, biện pháp, giải pháp cụ thể, đặc biệt là nghiên cứu cơ chế, chính sách để hỗ trợ chuyển đổi phù hợp nhất cho nhân dân, đặc biệt là người sử dụng phương tiện chạy bằng xăng, dầu trong khu vực Vành đai 1, trung tâm của thủ đô. Bên cạnh đó, cần khuyến khích người dân ở khu vực ngoài vành đai 1 cũng thụ hưởng chính sách khuyến khích chuyển đổi.
Chúng tôi sẽ có những biện pháp về quản lý nhưng cần sự phối hợp, vào cuộc của các Bộ, ngành Trung ương cũng như người dân và doanh nghiệp. Sẽ có những biện pháp triển khai đến các doanh nghiệp cung ứng phương tiện xanh để đưa ra chế độ ưu đãi nhất, hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện, thậm chí hỗ trợ vào giá thành và các vấn đề liên quan để sử dụng phương tiện đó tốt nhất”, ông Tuấn nêu ý kiến.
Cũng theo ông Tuấn, UBND TP. Hà Nội sẽ trình HĐND TP các Nghị quyết chuyên đề xử lý các vấn đề liên quan đến việc này. Dự kiến, tháng 9/2025 sẽ trình HĐND TP theo đúng lộ trình Chỉ thị 20 yêu cầu.
Ngoài ra, Hà Nội sẽ chuẩn hoá lại quy hoạch và triển khai mạng lưới hạ tầng kỹ thuật liên quan đến trạm sạc cho xe sử dụng điện, làm sao vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng cho người dân, vừa đảm bảo an toàn.
Cùng với đó, Hà Nội sẽ tổ chức mạng lưới hệ thống giao thông công cộng đa phương thức thích hợp nhất, hiện đại nhất, thông minh nhất.
Hiện nay, khu vực Vành đai 1 có 45 tuyến xe buýt với 535 xe, trong đó có 11 tuyến xe buýt điện với 126 xe. Hà Nội sẽ cấu trúc lại mạng lưới này theo hướng tăng cường loại xe buýt nhỏ 8-12-16 chỗ để hình thành mạng lưới VTKCC phủ rộng hơn.
Thêm vào đó, Hà Nội đang có 2 tuyến metro Cát Linh- Hà Đông và Nhổn- Ga Hà Nội đi vào trung tâm Vành đai 1. Theo kế hoạch, đến năm 2030, TP. Hà Nội sẽ phải hình thành hoàn chỉnh 3 tuyến đường sắt đô thị (tuyến đường sắt đô thị số 2, số 3, số 5) và tuyến đường sắt đô thị nhánh số 2A.
Theo lãnh đạo Hà Nội, sau khi cấu trúc lại mạng lưới xe buýt cùng với đường sắt đô thị sẽ cố gắng nâng tỷ lệ VTKCC khu vực Vành đai 1 lên khoảng 40%.