Nhiều quán ăn phải đóng cửa do mưa lớn kéo dài
Sau trận mưa kéo dài từ ngày 23/7 đến sáng ngày 24/7, nhiều tuyến đường ở Hà Nội vẫn trong tình trạng ngập nặng. Có nơi ngập sâu lên tới 70-80cm khiến cho phương tiện giao thông gặp nhiều khó khăn.
Ghi nhận của chúng tôi vào khoảng 16h00 chiều cùng ngày tại Khu đô thị Glemximco (Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội), đường vẫn ngập sâu gần 1 mét.
Trao đổi với chúng tôi, anh Tràng (SN 1989, chủ một quán ăn) cho biết, anh thuê và mở quán ở đây được khoảng 1 năm. Rút kinh nghiệm từ lần trước, ngay khi nước dâng lên vỉa hè, anh đã cùng mọi người nhanh chóng vận chuyển đồ đạc lên phía trên để tránh ngập lụt. Đồng thời, dùng tầm chắn để ngăn nước tràn vào hầm.
Mặc dù đã có sự chuẩn bị trước nhưng quán của anh vẫn bị ảnh hưởng do nước tràn vào tầng hầm. Bên cạnh đó, quán ăn của anh Tràng cũng như các quán khác đều phải đóng cửa do ngập lụt.
"Mỗi ngày chúng tôi bán được khoảng vài trăm bát phở. Thu về hàng chục triệu đồng/ngày, nhưng kể từ tối qua (23/7), quán chúng tôi phải đóng cửa và không nhận khách để chuẩn bị phương án ngập lụt.
Mặc dù đã chuẩn bị rất kĩ, vận chuyển hết đồ đạc phía dưới tầng hầm lên trên và sử dụng tấm chắn ngăn nước tràn vào nhưng không đáng kể. Bởi nước dâng cao, thêm việc xe ô tô đi qua tạo sóng làm tấm chắn của chúng tôi bị sập, nước tràn vào tầng hầm", anh Tràng cho hay.
Cách đó không xa, nhân viên của một quán bún riêu đang lấy các bao cát để hạn chế nước tràn vào. Theo nhân viên nơi đây cho biết, khoảng 22h00 tối ngày 23/7, do quán không có người và không chuẩn bị các phương án chống ngập lụt nên nhiều đồ đạc ở phía dưới tầng hầm đều bị ngâm trong nước.
"Khoảng 10h00 sáng nay, khi nơi đây cắt điện chúng tôi mới cùng nhau xuống đưa các thiết bị điện lên trên. Nhiều thực phẩm, đồ điện gia dụng, 3 chiếc tủ lạnh của chúng tôi đều bị hỏng. Thiệt hại là rất lớn", một nhân viên quán bún riêu cho hay.
Nghề đặc biệt kiếm tiền triệu trong mùa nước lụt
Ghi nhận vào lúc 17h30, rất đông người dân trở về nhà sau một ngày làm việc. Nhiều người phải quay xe ngay khi gặp các tuyến được ngập sâu. Bên cạnh đó, nhiều người vẫn bất chấp, đi xe qua tuyến đường ngập nặng.
Nhiều xe bị chết máy khi di chuyển qua tuyến đường này
Theo đó, nhiều xe máy, ô tô khi đang đi qua tuyến đường này đột ngột bị chết máy. Tài xế phải dắt bộ qua khu vực ngập hoặc gọi xe cứu hộ đến đưa xe đi.
Tại một quán sửa xe trong khu đô thị Glemximco, rất đông người đang ngồi chờ sửa xe máy.
Theo chị L. (nhân viên quán sửa xe) cho biết, kể từ khi khu vực này bị ngập lụt, nhiều xe đi qua đây bị chết máy. Dẫn đến tình trạng người mang xe vào quán sửa quá tải.
"Hôm qua, chúng tôi làm việc không ngừng nghỉ đến 23h00. Xe máy của khách hàng đa phần đều bị chết máy khi đi qua khu vực ngập lụt. Rất nhiều khách hàng phải gửi xe lại do không thể chờ lâu hay mang xe về nhà.
Mặc dù rất đông khách nhưng chúng tôi không lợi dụng điều này để tăng giá. Nhiều xe chết máy dễ xử lý, chúng tôi sửa hộ không lấy tiền", chị L. cho hay.
Cũng tại khu vực trên, một số người dân tranh thủ làm dịch vụ kéo xe máy qua khu vực ngập. Do đoạn đường ngập khá dài nên nhiều người lựa chọn dịch vụ này.
Đang từ công ty trở về nhà, khi di chuyển đến đoạn đường ngập lụt, anh A. (trú Quốc Oai, Hà Nội) đã thuê dịch vụ kéo xe này. Theo đó, anh A. phải trả 120.000 đồng/lần một đoạn đường ngập dài khoảng 300m.
"Tiền thuê người kéo xe máy qua chỗ ngập cũng khá cao. Nhưng nếu xe bị chết máy, chi phí bỏ ra sẽ tốn kém hơn nhiều", anh A. cho biết.
Theo một người làm dịch vụ kéo xe máy qua khu vực ngập cho biết: "Thấy khu vực này ngập sâu, nhiều xe đi qua bị chết máy nên chúng tôi tranh thủ mang xe cải tiến kiếm thêm thu nhập.
Tùy vào mỗi chiếc xe, chúng tôi sẽ lấy giá khác nhau. Giá từ vài chục đến hơn 100 nghìn đồng. Công việc này tuy vất vả nhưng thu nhập cao hơn rất nhiều hơn so với việc chạy xe ôm. Hôm nay, chúng tôi kéo rất nhiều xe, không rõ là bao nhiêu nhưng đến thời điểm hiện tại, thu nhập được vài triệu đồng", người này cho hay.